Trong hành trình 31 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh (xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. Nơi đây đã chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ HS dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh được khám sức khỏe định kỳ, ngày 25/9. |
Học sinh chỉ việc đến trường...
Em Trần Thị Diễm Mỹ (dân tộc Châu Ro, HS lớp 8A1, Trường PTDTNT tỉnh) từng theo học ở các trường TH, THCS ở quê nhà (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức). Năm lớp 7, Mỹ chuyển đến ngôi trường mới - Trường PTDTNT tỉnh. “Bố em làm rẫy, mẹ làm công nhân, thu nhập thấp, nên khó kham nổi chi phí học tập đến nơi đến chốn cho chị em chúng em. Việc được học nội trú ở trường đã tạo cơ hội cho chúng em khi gia đình không phải lo các khoản chi phí”, Mỹ cho biết.
Đến học tập ở Trường PTDTNT tỉnh, Mỹ được trường chăm lo mọi thứ. Đầu năm học mới 2024-2025, Mỹ được Nhà trường tặng chăn, chiếu, bàn chải đánh răng... để ở nội trú. Được tặng sách giáo khoa, tập vở, quần áo đồng phục và một số đồ dùng học tập để đến trường. Mỹ được ăn 3 bữa miễn phí mỗi ngày ở trường.
Năm học 2024-2025, Trường PTDTNT tỉnh có 378 HS tại 14 lớp (từ khối 6 đến khối 12). HS của Trường thuộc 13 DTTS như: Châu Ro, Hoa, Tày, Nùng, Khmer, Mường, Chăm, Sán Dìu... sinh sống trên địa bàn tỉnh. Là ngôi trường đặc biệt, dành riêng cho con em đồng bào, nên HS ở đây cũng được hưởng nhiều chính sách đặc thù.
Toàn bộ HS được tặng SGK, vở, đồng phục, đồ dùng học tập, đồ dùng bán trú... Ngoài được miễn học phí, HS còn được nhận học bổng hàng tháng bằng 80% mức lương cơ bản của Nhà nước. Đồng thời, hiện HS được hỗ trợ tiền ăn tương đương với 80% mức lương cơ bản của Nhà nước/1 năm học...
Trưởng thành từ gian khó
Trường PTDTNT tỉnh thành lập từ năm 1993. Bắt đầu từ gian nan, khó khăn, năm học đầu tiên của trường (1994-1995), trường chỉ có 3 cán bộ, GV và số HS theo học cũng rất ít. Thầy Đào Văn Phước, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh cho biết, khi ấy, thầy đảm nhận dạy bộ môn Âm nhạc.
Trường PTDTNT rất chú trọng công tác giáo dục dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các DTTS. Trường tích hợp nội dung giáo dục đặc thù của các dân tộc vào chương trình giáo dục phổ thông. Các CLB, nhóm nghiên cứu văn hóa dân tộc, CLB văn nghệ Châu Ro... được duy trì và hoạt động sôi nổi. GV của Trường cũng chú trọng hướng dẫn cho HS học tiếng mẹ đẻ, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Châu Ro, Tày, Hoa, Nùng... Việc tạo ra môi trường học tập đa dạng và phong phú như vậy, giúp HS thêm hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc mình. Đồng thời, bồi đắp cho các em tình yêu, tinh thần tự giác trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
(Thầy Đào Văn Phước, Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh)
|
Để tuyển được HS, thầy đạp chiếc xe đạp cà tàng, rong ruổi khắp các vùng quê của Châu Đức, Xuyên Mộc, Bà Rịa... để vận động HS con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường. “Nhiều gia đình nghèo, chưa quan tâm đến việc đầu tư cho con em ăn học, việc tuyển sinh rất khó khăn. Tôi vừa tuyên truyền, giải thích, vừa động viên để bà con hiểu, lâu dần mới đồng ý gửi con đến trường”, thầy Phước tâm sự.
Đến nay, Trường đã trải qua 31 năm xây dựng, phát triển và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trường hiện có 55 cán bộ, GV, công nhân viên. Trường có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc dạy và học với 14 phòng học, 64 phòng ở nội trú và một số phòng chức năng. HS của Trường tham gia học 2 buổi/ngày, một buổi dành cho chương trình chính khóa, sinh hoạt tập thể và một buổi hoạt động giáo dục trải nghiệm của Nhà trường.
Chất lượng giáo dục của Trường từng bước được nâng lên rõ rệt. Như năm học 2023-2024, toàn trường 370 HS, trong đó, có 6,8% HS giỏi, 38,1% HS khá. Năm học này, Trường còn đạt nhiều thành tích nổi bật. Có 8 cán bộ, GV, công nhân viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. 1 cán bộ được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Có 2 HS đạt 1 giải Nhì, 1 giải 3 về nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh...
Từ đầu năm 2024 đến nay, HS của trường đạt giải Tư Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, 1 giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh. Nhiều cá nhân và tập thể trường được Sở VH-TT tặng Giấy khen trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian Châu Ro.
Dưới mái trường mến yêu này, nhiều thế hệ HS của Trường đã phấn đấu học tập, thành đạt, quay trở về đóng góp cho quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu. Như ông Dương Văn Hạnh, HS khóa 1 của Trường nay là Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Một số cựu HS khác nay cũng là cán bộ, công chức của Ban Dân tộc tỉnh. Ngoài ra, rất nhiều HS của Trường trở thành kỹ sư, GV, CBCCVC trên địa bàn tỉnh.
Thầy Đào Văn Phước cho biết, cuối tháng 8/2024, Trường được tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí hơn 40 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa. Dự kiến, sau 18 tháng, không gian của Trường sẽ khởi sắc với các hạng mục được đầu tư như: Sân bóng đá nhân tạo, nhà xe, cải tạo đường điện để chiếu sáng khắp khuôn viên trường, nâng cấp bếp ăn, nâng cấp nhà văn hóa và ký túc xá...
“Chúng tôi biết ơn tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Trường. Nhà trường sẽ phấn đấu dạy và học tốt hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện tốt công tác dân tộc, đặc biệt bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS”, thầy Đào Văn Phước nói.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG