HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH LẦN THỨ IV, NĂM 2024

Đổi thay đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Hai, 23/09/2024, 17:48 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, huyện Xuyên Mộc đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Nhờ đó, nhiều hộ DTTS đã thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế, mang lại niềm phấn khởi cho bà con.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc thăm hỏi cuộc sống của gia đình chị Trịnh Nhục Dính, dân tộc Hoa (bìa phải), sau khi chị Dính được hỗ trợ xây nhà.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc thăm hỏi cuộc sống của gia đình chị Trịnh Nhục Dính, dân tộc Hoa (bìa phải), sau khi chị Dính được hỗ trợ xây nhà.

Từng bước cải thiện cuộc sống

Gia đình chị Trịnh Nhục Dính, dân tộc Hoa (ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp) từng thuộc diện hộ nghèo và gặp khó khăn về nhà ở. Năm 2023, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây nhà và cung cấp nước sạch cho gia đình chị. “Nhờ vậy, vợ chồng tôi đã có nhà riêng và cuộc sống ổn định hơn”, chị Dính chia sẻ niềm vui.

Trong 5 năm qua, huyện Xuyên Mộc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS, đặc biệt là các hộ nghèo. Những con dê, bò giống được trao tặng, những ngôi nhà mới được xây dựng đã thay thế những căn nhà tạm bợ, góp phần giúp cuộc sống của bà con ngày càng ổn định.

Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất và kinh doanh. Từ năm 2019 đến tháng 3/2024, có 511 hộ đồng bào DTTS được vay hơn 19,2 tỷ đồng để phát triển kinh tế.

Nhờ những nỗ lực này, số hộ nghèo trong đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã giảm dần, hiện chỉ còn 48 hộ. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc cho biết mục tiêu quan trọng của huyện đến năm 2029 là không còn hộ nghèo trong cộng đồng DTTS.

Để thực hiện mục tiêu này, giữa tháng 9/2024, Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khảo sát, ghi nhận thực trạng đời sống cũng như nhu cầu, nguyện vọng của 48 hộ nghèo còn lại trong đồng bào DTTS. “Phòng Dân tộc sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con về cây, con giống, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp bà con phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Hoàng Tuấn nói.

Bảo tồn và phát huy  văn hóa dân tộc

Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện Xuyên Mộc cũng chú trọng đến việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào DTTS. Đến nay, huyện đã xây dựng 2 nhà văn hóa tại Tân Lâm và Bàu Lâm, nơi sinh hoạt chung của các dân tộc như Châu Ro, Tày, Thái, Nùng, Khmer...

Vào các dịp lễ, Tết, hoặc các lễ hội văn hóa truyền thống, bà con thường tụ họp tại nhà văn hóa để giao lưu, biểu diễn văn nghệ. Những tiếng cồng chiêng của người Châu Ro hay tiếng đàn tính của người Tày, Nùng vang lên rộn rã, mang lại niềm vui và gắn kết cộng đồng. Cùng với đó những bộ trang phục truyền thống, nhạc cụ của các DTTS được sưu tầm, phục dựng, trưng bày tại các nhà văn hóa.

Bà Lương Thị Niềm, người dân tộc Tày (ấp Suối Lê, xã Tân Lâm) chia sẻ: “Nhờ có nhà văn hóa, bà con chúng tôi có nơi để tụ họp, giao lưu và biểu diễn văn nghệ. Điều này giúp bà con cảm thấy rất phấn khởi và tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Xuyên Mộc đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 313 hộ DTTS, lắp đặt đồng hồ điện cho 101 hộ và cung cấp cây, con giống cho 335 hộ để phát triển kinh tế.

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền và các ngành chức năng, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm đáng kể. Năm 2019, huyện có 200 hộ DTTS nghèo, chiếm 9,7% dân số. Đến cuối năm 2023, số hộ nghèo giảm xuống còn 52 hộ (2,4%). Tính đến cuối tháng 9/2024, chỉ còn 48 hộ nghèo trong đồng bào DTTS.

THI PHONG

;
.