Đừng biến điện thoại, ti vi thành vú nuôi điện tử

Thứ Sáu, 27/09/2024, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Việc cho trẻ xem tivi hay sử dụng điện thoại trong khi ăn đã trở thành thói quen phổ biến trong nhiều gia đình hiện đại. Tuy nhiên, phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về những hậu quả nghiêm trọng của việc để trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ quá sớm và quá nhiều.

Việc vừa ăn vừa xem điện thoại gây đau dạ dày và sẽ hình thành các thói quen xấu, khiến trẻ không chịu ăn nếu không được xem tivi hoặc điện thoại.
Việc vừa ăn vừa xem điện thoại gây đau dạ dày và sẽ hình thành các thói quen xấu, khiến trẻ không chịu ăn nếu không được xem tivi hoặc điện thoại.

8/10 phụ huynh cho trẻ sử dụng điện thoại

Theo thống kê tại Việt Nam, cứ 10 phụ huynh thì có tới 8 người cho trẻ dùng điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Điều đáng lo ngại là hơn 90% gia đình cho phép trẻ từ 2 tuổi trở lên sử dụng các thiết bị này để bé ngồi yên, không quấy khóc.

Đơn cử, chị Lệ Hằng (chung cư Bình An, TP.Vũng Tàu) chia sẻ con trai chị năm nay 6 tuổi, chỉ chịu ăn khi có điện thoại hoặc tivi. Mỗi bữa ăn, mắt bé dán chặt vào màn hình, còn miệng thì không nhai mà nuốt một cách thụ động. Thói quen này đã hình thành từ khi bé 2-3 tuổi, khi ba mẹ thường bật YouTube hoặc TikTok cho bé xem để con chịu ăn.

Tương tự, con gái chị Tú (chung cư Bình An) cũng “nghiện” YouTube và TikTok, không rời mắt khỏi màn hình khi ăn. Chị biết thói quen này không tốt, nhưng vì sợ con không ăn, chị đành phải đưa điện thoại để bé hợp tác.

Theo BS.CK1 Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, việc trẻ vừa ăn vừa xem làm trẻ mất tập trung, không nhai kỹ, khiến hệ tiêu hóa gặp khó khăn trong việc hấp thu dinh dưỡng. Lâu dài, trẻ có nguy cơ bị các vấn đề về tiêu hóa như viêm loét dạ dày hoặc trào ngược thực quản.

Ngoài ra, việc ngồi quá lâu trước màn hình cũng làm tăng nguy cơ béo phì, rối loạn vận động, ảnh hưởng đến thị lực và suy giảm khả năng tập trung. Một số nghiên cứu còn chỉ ra mối liên hệ giữa việc trẻ tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị công nghệ và sự phát triển của các triệu chứng tự kỷ, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Thay đổi thói quen xấu cho trẻ

Trước những tác hại tiềm tàng, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, tivi trong bữa ăn. Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần kiên nhẫn và không nên sử dụng thiết bị điện tử để dụ dỗ trẻ ăn. Hãy tạo môi trường ăn uống vui vẻ, cho trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn để kích thích sự thích thú với thực phẩm.

Với những trẻ đã quen với việc vừa ăn vừa xem, phụ huynh có thể dần thay đổi thói quen bằng cách giảm dần thời gian xem trong bữa ăn, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời để giảm bớt thời gian ngồi trước màn hình. Nếu tình trạng không cải thiện, cha mẹ nên tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế. 

Đối với trẻ mới tập ăn dặm, phụ huynh nên kiên nhẫn cho bé ăn, không được dùng đến tivi, điện thoại hoặc máy tính bảng để thu hút sự chú ý của trẻ. Không ép trẻ ăn quá nhiều gây cho trẻ cảm giác sợ bữa ăn. Phụ huynh cũng không sử dụng thiết bị điện tử trong lúc ăn để làm gương. Khuyến khích trẻ vào bếp nấu ăn cùng mẹ để trẻ cảm thấy thích thú hơn khi ăn những món ăn mình nấu. Sau đó, cho trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình sẽ giúp trẻ vui vẻ quên đi tivi, điện thoại.

THƯ KỲ

;
.