Đổi mới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025
Bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ có nhiều thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Đây là thông tin mà bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chia sẻ với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phóng viên: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm tới có những thay đổi như thế nào, thưa bà?
- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT cơ bản giữ ổn định với 3 môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh. Tuy nhiên, hình thức thi môn Toán và tiếng Anh sẽ được điều chỉnh, kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Nội dung thi các môn chuyên như Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng được điều chỉnh để phù hợp với chương trình GDPT 2018.
Thời gian tổ chức kỳ thi vẫn diễn ra vào đầu tháng 6 hàng năm, thí sinh đăng ký dự thi qua hình thức trực tuyến.
Bà có thể chia sẻ chi tiết về hình thức, nội dung và thời gian của từng môn thi?
- Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 gồm 3 bài thi theo thang điểm 10. Môn Ngữ văn thi tự luận trong 120 phút. Môn Toán kết hợp giữa trắc nghiệm (30% điểm) và tự luận (70% điểm), với thời gian làm bài 120 phút. Môn tiếng Anh gồm 2 phần: trắc nghiệm chiếm 60% và phần thi viết (có nội dung nghe) chiếm 40%, với thời gian thi 120 phút.
Đối với kỳ thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ngoài 3 bài thi đại trà, học sinh phải thi thêm 1 bài môn chuyên theo nguyện vọng. Các môn chuyên thi tự luận, riêng môn Tin học thi lập trình trên máy tính theo ngôn ngữ C/C++, Python hoặc Pascal. Môn tiếng Anh có thêm phần thi nói theo chủ đề với thời lượng 5 phút/thí sinh (3 phút chuẩn bị, 2 phút trình bày ghi âm). Thời gian làm bài môn Ngữ văn và môn Toán là 150 phút, các môn còn lại trong 120 phút.
Nội dung thi theo chương trình GDPT 2018. Nội dung, cấu trúc định dạng đề thi theo công bố của Sở GD-ĐT.
Trước khi xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh theo chương trình GDPT 2018, sở đã tổ chức hội thảo, đồng thời làm việc với hội đồng bộ môn cấp tỉnh về những vấn đề có liên quan.
Từ năm 2025, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ đổi mới theo chương trình GDPT 2018. Trong ảnh: HS dự thi tuyển sinh lớp 10 tại điểm thi THPT Nguyễn Khuyến (TP.Vũng Tàu). |
Mục tiêu của sự thay đổi này là gì, thưa bà?
- Năm học 2024-2025, chương trình GDPT 2018 sẽ áp dụng với toàn bộ các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12. Việc đổi mới kỳ thi nhằm chuẩn bị cho GV và HS làm quen với các dạng trắc nghiệm, đồng thời nâng cao chất lượng tổ chức và tuyển sinh.
Bên cạnh đó, sự đổi mới này góp phần nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng như kỳ thi tuyển sinh của HS trên địa bàn tỉnh.
Ngành giáo dục sẽ làm gì để triển khai kỳ thi cấp tỉnh theo chương trình GDPT 2018 một cách thuận lợi?
- Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng chuyên môn chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, kinh phí, phần mềm chấm thi và ấn phẩm liên quan... Đặc biệt là yêu cầu Phòng Giáo dục Trung học - Thường xuyên chỉ đạo Hội đồng bộ môn xây dựng nội dung cấu trúc định dạng đề thi công bố trước ngày 5/10, xây dựng đề thi mẫu công bố trước ngày 20/10, tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi thi theo các dạng trắc nghiệm Bộ GD-ĐT đã quy định.
Sở cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền rộng rãi về kỳ thi tới phụ huynh và HS, đồng thời yêu cầu các trường THCS công khai thông tin về kỳ thi để mọi người nắm rõ và chuẩn bị tốt nhất.
Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn tổ chức công khai, thông báo, phổ biến rộng rãi thông tin về kỳ thi có liên quan đến toàn thể GV, HS và phụ huynh biết, chủ động thực hiện. Các trường THCS trên địa bàn tăng cường công tác ôn tập, tổ chức thi thử theo dạng đề thi mẫu, cấu trúc định dạng đề thi mà Sở GD-ĐT đã công bố để HS bắt nhịp trước khi tham dự kỳ thi.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
KHÁNH CHI
(Thực hiện)