Bệnh thủy đậu - Lành tính nhưng dễ biến chứng

Thứ Sáu, 27/09/2024, 18:11 [GMT+7]
In bài này
.

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính, nhưng lại có đặc tính dễ lây lan, vì vậy việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng, nhất là đối với trẻ em.

Bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng bệnh nên phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng. Vắc xin này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên phải tiêm dịch vụ. Ảnh minh họa
Bệnh thủy đậu đã có vắc xin phòng bệnh nên phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng. Vắc xin này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên phải tiêm dịch vụ. Ảnh minh họa

Bệnh dễ lây lan

Dịp nghỉ lễ đầu tháng 9 vừa qua, con gái 4 tuổi của chị Nhung ở phường 10, TP. Vũng Tàu bị bệnh thủy đậu. Lúc mới bị, bé xuất hiện nhiều nốt mụn nước ở tay, lưng và bụng kèm theo sốt nhẹ, người mệt mỏi. Chị đã ra tiệm thuốc tây mua thuốc về bôi cho con.

Sau 4 ngày, chị Nhung đưa con đến Bệnh viện Vũng Tàu khám và được bác sĩ chẩn đoán bé bị thủy đậu bội nhiễm do không được điều trị ngay từ đầu. Vì vậy bé phải mất hơn 2 tuần kết hợp uống và bôi thuốc mới khỏi bệnh.

Do con chị Nhung còn nhỏ nên việc hạn chế tiếp xúc với người trong nhà để phòng ngừa thủy đậu là rất khó, vì vậy cả nhà, con gái lớn 7 tuổi và chồng chị Nhung cũng bị thủy đậu. Rút kinh nghiệm, khi chớm bệnh chị đã đưa đến bệnh viện và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nên bệnh chóng khỏi.

Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, rất dễ lây truyền. Khi một người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi hoặc ho... thì các siêu vi theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi này sẽ bị lây bệnh. Bệnh còn có thể lây qua sự tiếp xúc từ đồ vật có chứa dịch từ các nốt mụn nước, hay miệng, mũi của người bệnh.

Thủy đậu xảy ra nhiều ở trẻ em, nhưng người lớn cũng mắc bệnh này. Thông thường, thời gian ủ bệnh khoảng 2-3 tuần. Bệnh khởi phát từ khoảng 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh, với các dấu hiệu như: nổi mụn nước ở vùng mặt, chi và thân; trẻ nhỏ thường kèm theo sốt, biếng ăn. Người lớn, bệnh có triệu chứng nặng hơn, hay sốt cao, đau đầu, đau cơ.

Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt mụn sẽ khô dần, không để lại sẹo, song trường hợp bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.

Thủy đậu nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Theo bác sĩ, thủy đậu là bệnh lành tính. Hầu hết người bệnh được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, bệnh này nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách vẫn để lại nhiều biến chứng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng khác như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não…

Thậm chí, có trường hợp sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt. Nhiều năm sau đó, khi cơ thể người bệnh giảm miễn dịch, siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra bệnh Zona (giời leo).

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bà Rịa) lưu ý, những người có sức đề kháng cơ thể kém như nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh về thận, máu và phụ nữ mang thai thường gặp biến chứng nặng khi bị thủy đậu.

Vaccine là cách phòng ngừa hiệu quả nhất
Trẻ bắt đầu tiêm vaccine thủy đậu từ 9 tháng tuổi. Người trưởng thành, sức khỏe tốt, chưa từng nhiễm bệnh có thể tiêm vaccine thủy đậu bất cứ lúc nào. Phụ nữ mang thai cần tiêm phòng vaccine trước khi mang thai ít nhất 3 tháng để bảo đảm sinh miễn dịch bảo vệ cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì khoảng 90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Khoảng 10% còn lại vẫn có thể bị thủy đậu, nhưng chỉ bị nhẹ (dưới 50 nốt) và thường không bị biến chứng.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai khi mắc sẽ rất nguy hiểm. Thai phụ bị thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Thai phụ bị thủy đậu trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh, bệnh nặng nổi mụn nước nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.

Người mắc thủy đậu cần nhập viện điều trị trong trường hợp: Phụ nữ mang thai; người bị viêm não, viêm phổi, sốt cao, suy giảm miễn dịch; trẻ con nổi từ 100 nốt mụn nước, kèm theo ho nhiều, mệt mỏi cơ thể.

Lưu ý, không sử dụng các bài thuốc dân gian để bôi lên các nốt mụn nước vì dễ nhiễm trùng. Khi đi ra ngoài cần mang khẩu trang, tránh lây lan cho người khác.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.