Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sau El Nino, hiện tượng La Nina sẽ tiếp nối với sự xuất hiện của những cơn bão mạnh, có đường đi phức tạp.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, trên Biển Đông có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó, 5-7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, nhiều hơn bình quân các năm từ 1-2 cơn, diễn ra từ khoảng tháng 8 đến nửa đầu tháng 12 và ảnh hưởng nhiều tới khu vực Trung Bộ.
Bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều lại trùng với mùa mưa ở khu vực Trung Bộ, nên trong nửa cuối năm 2024, các tỉnh miền Trung cần lưu ý tổ hợp thiên tai mưa, bão, lũ có khả năng xảy ra dồn dập.
Ngoài ra, các hiện tượng mưa lũ kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh, gió đông mạnh thì có khả năng xảy ra mưa rất lớn ở khu vực miền Trung.
Do đó, các đô thị miền Trung có nguy cơ mưa lũ rất cao; khả năng xảy lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ Thanh Hóa trở vào Quảng Ngãi sẽ nhiều hơn các năm.
Đối với khu vực Bắc Bộ, mùa mưa sẽ tập trung chính từ nay cho đến tháng 9. Đây là một trong những khu vực trọng điểm về lũ quét, sạt lở đất. Thời gian qua, dù mới bắt đầu mưa nhưng đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi.
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa và giảm thiểu tối đa hậu quả do sạt lở gây ra, cần chủ động theo dõi các thông tin về thời tiết để nắm bắt tình hình khu vực và sơ tán khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường trồng rừng, tăng lớp phủ bề mặt cho đất. Trồng rừng là biện pháp an toàn để chống sạt lở đất, do đó, không được khai thác rừng bừa bãi.
Đồng thời, cần thực hiện quy hoạch đô thị hợp lý, đảm bảo cấu trúc đất và an toàn cho người sử dụng đất; gia cố nhà cửa, khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ.
XUÂN NGUYỄN