Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ: Mệnh lệnh từ trái tim

Thứ Sáu, 09/08/2024, 17:28 [GMT+7]
In bài này
.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng đến nay, rất nhiều phần mộ liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy, cũng có nhiều mộ liệt sĩ vô chủ, các anh chưa thể về với gia đình, người thân, đất mẹ. Thời gian qua, bằng sự cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền, thêm nhiều mộ liệt sĩ vô chủ đã về trong vòng tay ấm áp của gia đình.

Con dâu và cháu trai Liệt sĩ Đỗ Văn Bình hạnh phúc, phấn khởi khi đưa được cha từ Bà Rịa - Vũng Tàu về với đất mẹ ở Sơn Tây (Hà Nội).
Con dâu và cháu trai Liệt sĩ Đỗ Văn Bình hạnh phúc, phấn khởi khi đưa được cha từ Bà Rịa - Vũng Tàu về với đất mẹ ở Sơn Tây (Hà Nội).

Đưa các anh về với đất mẹ

70 năm qua, cuộc tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Kim Huệ tưởng chừng rơi vào vô vọng thì tin vui đã đến với gia đình ông Nguyễn Kim Minh (em trai Liệt sĩ Nguyễn Kim Huệ).

Liệt sĩ Nguyễn Kim Huệ hay có tên gọi khác là Hoàng Ngọc Ánh (SN 1925) tại Đất Đỏ. Năm 1949, ông Nguyễn Kim Huệ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và được đồng đội chôn cất trên vùng đất thuộc KP.Tường Thành, TT.Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ).

Kể từ ngày nhận giấy báo tử của Liệt sĩ Nguyễn Kim Huệ, gia đình ông Minh từng ngày luôn nghe ngóng tin tức từ các cấp chính quyền, lãnh đạo địa phương để có thể nhanh chóng tìm lại được hài cốt anh trai về thờ tự.

Ông Nguyễn Kim Minh (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) chia sẻ, nhiều năm qua, gia đình ông lúc đau đáu đi tìm hài cốt của anh trai. Đến năm 2021, hơn 70 năm ròng rã đi tìm, qua thông tin từ các lão thành cách mạng và sự vào cuộc của Ban CHQS huyện Đất Đỏ, hài cốt của Liệt sĩ Nguyễn Kim Huệ đã được tìm thấy và làm thủ tục quy tập đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Long Điền - Đất Đỏ.

“Xúc động lắm! Cuối cùng, sau bao nhiêu năm chờ đợi, nhờ các cơ quan, chính quyền, lực lượng chức năng tích cực xác minh, chúng tôi cũng đưa được anh trai về quê hương”, ông Minh rưng rưng nước mắt nói.

Còn đối với gia đình ông Nguyễn Văn Tiền (huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội) những  ngày này, niềm vui như vỡ òa khi đã tìm được thông tin hài cốt liệt sĩ sau 40 năm mòn mỏi đi tìm.

Ông Tiền là em trai của Liệt sĩ Nguyễn Văn Tuyến (SN 1960, hy sinh năm 1983). Ông Tiền cho biết, 40 năm qua, gia đình ông đi khắp nơi để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ anh trai, nhưng không có kết quả. 

Tháng 7 vừa qua, nhờ các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, gia đình ông Tiền đã tìm thấy hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Văn Tuyến đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Nghẹn ngào không nói nên lời, gia đình tôi vui lắm. Cuối cùng thì chúng tôi đã giữ được lời hứa với người mẹ quá cố là tìm kiếm và đưa hài cốt anh trai về quê nhà”, ông Tiền xúc động chia sẻ.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Tuyến nhập ngũ tháng 3/1983, tại Chiến trường B, thuộc Trung đoàn 250, Sư đoàn 309. Ngày 3/11/1983, ông Tuyến bị thương nặng và hy sinh khi tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

Mệnh lệnh từ trái tim

Đại tá Trương Huy Bình, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Do đó, trong những năm qua, với phương châm “còn thông tin liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm quy tập”, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã luôn quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Quyết tâm, hỗ trợ gia đình, đưa các liệt sĩ trở về với người thân, về với đất mẹ. Từ năm 2013 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận 3.149 thông tin mộ liệt sĩ. Kết quả, toàn tỉnh đã quy tập được 118 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 105 hài cốt liệt sĩ có tên, đính chính được 285 thông tin trên bia mộ liệt sĩ.

Nói về khó khăn trong công tác tìm kiếm, quy tập, hài cốt liệt sĩ, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, hơn 10 năm qua, Ban chỉ đạo 24 huyện tiếp nhận từ nhiều nguồn về thông tin liệt sĩ và đã tổ chức khảo sát, xác minh, quy tập được 26 hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, do chiến tranh đã lùi xa, địa hình trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi, các nguồn cung cấp thông tin về phần mộ liệt còn hạn chế, chưa đầy đủ, số lượng nhân chứng nắm thông tin không còn nhiều và tuổi đã cao không còn nhớ rõ. Do vậy, việc tìm kiếm thông tin và phát hiện vị trí chính xác để tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ còn gặp nhiều khó khăn.

Đại tá Nguyễn Hoàng Tấn, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, nhấn mạnh, Bộ CHQS tỉnh sẽ tiếp tục nêu cao quyết tâm, tích cực thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đạt hiệu quả cao nhất. Tập trung đẩy mạnh tiến độ hoàn thành cơ bản cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

“Đây là việc làm rất có ý nghĩa, linh thiêng, phải làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Đây cũng là mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ để sớm đưa các anh về với gia đình, về với đất mẹ”, Đại tá Nguyễn Hoàng Tấn nói.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.