Làm việc trong hầm cá trên ghe tại cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo, một ngư dân đã hôn mê vì ngạt khí hầm cá. Đây là một trong những tai nạn có thể gây tử vong thường gặp với ngư dân đánh bắt xa bờ.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cùng các y, bác sĩ Trung tâm Quân dân y Côn Đảo phối hợp cấp cứu nạn nhân bị ngạt khí trong hầm cá. |
Cứu nguy kịp thời ngư dân ngạt khí hầm cá
19h 45 phút tối 17/8, cán bộ, nhân viên tàu Cảnh sát biển (CSB) 2011 (thuộc Hải đội 33, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 3) nhận được tin báo trên ghe cá số hiệu NT91205 đang cập vào cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo có ngư dân Nguyễn Quang (53 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận) trong tình trạng hôn mê, ngạt thở, sùi bọt mép, co giật. Cán bộ, nhân viên tàu CSB 2011 nhanh chóng tiếp cận, sơ cứu nạn nhân và báo cáo Chỉ huy Hải đội 33. Khoảng 20h, nạn nhân được đưa lên xe cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Quân dân y Côn Đảo. Đến khoảng 21h cùng ngày, nạn nhân qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.
Trực tiếp chỉ huy lực lượng ứng cứu trường hợp ngư dân bị nạn nói trên, Trung tá Lê Việt Bắc, Chính trị viên phó Hải đội 33 cho biết, thời điểm ngư dân bị nạn, ghe cá NT91205 do ông Lê Sấy (ngụ tỉnh Ninh Thuận) làm chủ, trên ghe có 15 ngư dân đang làm việc. Do thành hầm cao, ngư dân Nguyễn Quang không thể tự ra ngoài. Những người đứng trên miệng hầm phát hiện, thông báo, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ, nhân viên tàu CSB 2011, Hải đội 33 đưa thuyền viên bị ngạt ra khỏi hầm, thực hiện các bước sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Chứng kiến vụ việc, ngư dân Đinh Dũng bạn thuyền của nạn nhân kể lại: Thời điểm bị nạn, trong hầm cá của ghe có khoảng hơn 200kg hải sản. Hầm cá sau khi đi đánh bắt về được đậy kín trong nhiều ngày, không khí trong hầm khá ngột ngạt. Dù đã nghe thông tin đài, báo tuyên truyền nhiều về tai nạn ngạt khí do làm việc dưới hầm cá, nhưng ông Quang vẫn chủ quan xuống hầm cá ngay sau khi mở nắp.
“Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho tôi và các bạn thuyền phải đặc biệt lưu ý để tránh trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra”, ngư dân Đinh Dũng nói.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc ngư dân bị ngạt khí dưới hầm chứa cá xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng trong thời gian qua. Và không phải vụ việc nào ngư dân cũng may mắn thoát chết như trường hợp nêu trên.
Phòng hộ kỹ lưỡng trước khi xuống hầm cá
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Hải Đăng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Vũng Tàu, hầm chứa cá không thoáng khí lâu ngày có sự phân hủy protein. Các chất hữu cơ chứa khí H2S, CO2, SO2… và các hợp chất lưu huỳnh làm cho hầm cá thiếu oxy, mùi rất nồng và hôi thối. Nồng độ lưu huỳnh càng cao mùi càng nồng, tình trạng thiếu oxy càng cao. Do đó, người xuống hầm cá lúc này sẽ không có oxy để thở, hít phải các khí này sẽ dẫn đến ngộ độc và bất tỉnh, nếu không được phát hiện sớm nạn nhân sẽ tử vong.
“Đây là loại ngộ độc cấp tính. Ban đầu nạn nhân nhức đầu, choáng váng, có cảm giác hô hấp bị kích thích như thở nhanh hơn, sau đó thở chậm dần và ngưng thở. Nạn nhân sẽ tử vong do thiếu oxy quá lâu dẫn đến hôn mê, ngưng tim, ngừng thở, suy nhiều cơ quan trong cơ thể”, bác sĩ Đăng nói.
Ông Nguyễn Minh Khang chuyên gia chống độc Viện Khoa khọc Công nghệ an toàn, Phân viện Vũng Tàu cảnh báo, trước khi xuống hầm cá, ngư dân cần phải khơi thông luồng khí, xử lý hơi độc bằng cách sử dụng quạt công suất lớn thổi xuống hầm cá. Mục đích của việc này là để thay đổi dòng không khí độc bên trong các kho, hầm tạo luồng không khí mới trong sạch kết hợp với hệ thống hút, thông gió.
Khi làm việc trong hầm cá, ngư dân cần cử người ở trên quan sát, theo dõi người ở dưới thực hiện công việc. Người xuống hầm cá phải mang dây an toàn và bảo hộ cá nhân phòng ngừa sự cố xảy ra. Người trên hầm quan sát nếu thấy đồng nghiệp ngạt hơi, cứu hộ bằng cách kéo dây an toàn để đưa nạn nhân lên cấp cứu kịp thời.
“Nếu phải xuống hầm để cứu nạn nhân, phải mang bình dưỡng khí. Trên thực tế, ngư dân không thể biết được lúc nào dưới hầm tàu cá tồn tại các loại khí độc. Vì vậy, nếu xảy ra tình trạng ngạt khí dưới hầm tàu cá thì việc đầu tiên là mọi người trên tàu phải tìm cách mở rộng nắp hầm tàu, thậm chí có thể phá sàn tàu trên hầm, để đưa càng nhiều không khí sạch xuống hầm càng tốt. Khi nạn nhân bị ngạt khí được đưa ra, có thể xử trí ban đầu bằng hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, cần có bóng giúp thở mang theo tàu cá, tránh để ngưng thở quá lâu. Sau đó, đưa nạn nhân vào bờ chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu”, ông Khang khuyến cáo.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH-MẠNH VŨ