Bánh mì là món ăn ngon, thuận tiện, dễ chế biến cho người Việt, đặc biệt là trong bữa sáng. Tuy nhiên, một số trường hợp cần hạn chế loại thực phẩm này.
Người bị tiểu đường, huyết áp cao: Bánh mì trắng có chỉ số đường huyết cao, có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng và đáng kể. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Những người có vấn đề về tiêu hóa: Việc thiếu chất xơ trong bánh mì trắng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm táo bón, bệnh viêm ruột, béo phì, tiểu đường loại II và hội chứng chuyển hóa. Do đó, người hay có các vấn đề về tiêu hóa không nên sử dụng nhiều bánh mì trắng, mà thay vào đó nên tăng cường các thực phẩm có chứa nhiều chất xơ như rau củ quả.
Người mắc bệnh tim: Bánh mì trắng còn làm tăng mức cholesterol xấu trong cơ thể, đây là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Do đó, việc bổ sung bánh mì trắng vào chế độ ăn uống hàng ngày có thể gây ra các vấn đề về tim mạch.
Nên ăn bánh mì đen hay bánh mì trắng?
Các chuyên gia khuyên rằng nên ăn bánh mì đen vì so với bánh mì trắng, bánh mì đen an toàn với sức khoẻ. Theo bà Vedika Premani, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, nhà giáo dục về bệnh tiểu đường, Giám đốc Bệnh viện Sir H.N. Reliance Foundation (Ấn Độ), nếu bạn lo lắng khi ăn bánh mì thì bạn nên chọn bánh mì nguyên hạt, còn gọi là bánh mì đen. Bởi bánh mì trắng được làm từ bột mì tinh chế, đã loại bỏ hết cám và mầm và một số chất dinh dưỡng, và thường có ít chất xơ hơn so với bánh mì đen. Ngược lại, bánh mì đen được làm từ bột mì nguyên phần, chứa toàn bộ cả cám và mầm, do đó nó giữ được nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và vitamin hơn so với bánh mì trắng.
ANH ĐÀO (Tổng hợp)