KỶ NIỆM 63 NĂM NGÀY VÌ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM (10/8)

Chia sẻ nỗi đau da cam

Thứ Sáu, 09/08/2024, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh luôn tích cực phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, đồng thời, kết nối, vận động tổ chức, DN, nhà hảo tâm kinh phí, chăm lo cho nạn nhân da cam. Nhiều gia đình nạn nhân da cam đã được tiếp sức đầy ý nghĩa, nhân văn.

Bà Nguyễn Thị Mai (KP.Long Sơn, TT.Long Điền, huyện Long Điền) chăm sóc con trai Nguyễn Hoàng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Mai (KP.Long Sơn, TT.Long Điền, huyện Long Điền) chăm sóc con trai Nguyễn Hoàng Sơn.

Nước mắt cha mẹ già đã cạn!

Ảnh hưởng của di chứng chiến tranh, nên bà Nguyễn Thị Mai (80 tuổi, KP.Long Sơn, TT.Long Điền, huyện Long Điền) có 2 người con bị nhiễm chất độc da cam. Nước mắt của người mẹ già đã cạn, khi phải gánh chịu nỗi đau dai dẳng bởi con mang khuyết tật suốt đời. Con trai thứ 2 Nguyễn Mạnh Hùng bị tâm thần, cứ bỏ nhà đi lang suốt mấy ngày mới về. Con út Nguyễn Hoàng Sơn cũng bị câm và khiếm thính, trí tuệ chậm phát triển. Thấy có người lạ đến, gương mặt Sơn cười ngây dại. Sinh hoạt cá nhân của Sơn đều nhờ đôi bàn tay săn sóc của mẹ già.

Chia sẻ với nỗi đau của gia đình bà Mai, vào dịp lễ, Tết, Hội NNCĐDC/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh và địa phương đều dành những phần quà thiết thực gồm: gạo, mì, nước mắm, tiền mặt... Như đầu tháng 8 này, Đoàn cán bộ Hội NNCĐDC/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh đã đến thăm hỏi, tặng 1 triệu đồng cho gia đình bà Mai. “Sự quan tâm, động viên sẻ chia này thật quý giá, phần nào xoa dịu nỗi đau cho tôi”, bà Mai xúc động nói.

Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Mỹ Ái (23/8 Phan Bội Châu, phường 2, TP.Vũng Tàu) không hay biết mình bị chất độc da cam ngấm vào cơ thể. Đến khi lấy vợ, sinh ra con bị khuyết tật, ông mới hay về di chứng nặng nề của loại chất độc hóa học này. Con trai ông Ái - anh Nguyễn Ngọc Kiên, sinh 1982 bị nhiễm chất độc da cam nặng, chân tay co quắp, sinh hoạt, ăn uống đều phụ thuộc vào vợ chồng ông.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Nguyễn Mỹ Ái cho biết, ngoài sự tự lực của vợ chồng để nuôi nấng, chăm bẵm con, gia đình còn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, Hội NNCĐDC/Dioxin và Bảo trợ xã hội từ tỉnh đến phường, khi thường đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ. “Đó là nguồn động viên lớn để vợ chồng tôi cố gắng nuôi dưỡng con tốt hơn”, ông Ái nói.

Toàn tỉnh có hơn 3.800 người là nạn nhân da cam. Trong đó, hơn 1.200 người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, số còn lại là thế hệ thứ 3, thứ 3 và người dân bị phơi nhiễm.

Giai đoạn 2016-2023, các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin và Bảo trợ xã hội trong tỉnh đã vận động DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ tiền mặt, hiện vật 125,1 tỷ đồng. 6 tháng năm 2024, các cấp hội đã vận động tiền và hiện vật hơn 14,5 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ, các cấp hội đã phối hợp để mổ tim cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, phục hồi chức năng, khám và cấp phát thuốc miễn phí, trao sinh kế, tặng quà, xây nhà, tặng thẻ BHYT... cho hội viên.

Ông Trần Đức Tính, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Hội đã triển khai chế độ, chính sách cho nạn nhân da cam kịp thời, chặt chẽ, đúng đối tượng. Đồng thời, hội nỗ lực vận động nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân da cam từng bước hòa nhập cộng đồng và chia sẻ với những gia đình khó khăn, nghèo để họ dần dần ổn định cuộc sống.

“Chúng tôi cảm ơn các DN, tổ chức, nhà hảo tâm đã tin tưởng ủng hộ để Hội có nguồn lực giúp đỡ nạn nhân da cam. Thời gian tới, hội tiếp tục kết nối, vận động để có thêm quỹ giúp đỡ nạn nhân da cam, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình khó khăn, hỗ trợ trẻ mổ tim”, ông Trần Đức Tính cho biết.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.