Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.
Theo Bộ Y tế, qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số đã có nhiều tác động tích cực trong việc điều chỉnh các vấn đề dân số, tuy nhiên bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Các vấn đề dân số và kinh tế, xã hội hiện nay đã thay đổi so với thời điểm ban hành Pháp lệnh Dân số (năm 2003). Nhiều văn bản pháp luật mới được ban hành, đòi hỏi phải thay đổi quan điểm, mục tiêu, biện pháp điều chỉnh các vấn đề dân số.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, có Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; các biện pháp giải quyết xu hướng già hóa dân số trong thời gian tới, tận dụng lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước…
Theo Bộ Y tế, trong Luật Dân số cần có các quy định về huy động nguồn lực xã hội để thực hiện toàn diện công tác dân số; ngân sách Nhà nước cần được bảo đảm để duy trì mức sinh thay thế, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đối với những đối tượng đặc thù; mở rộng diện bao phủ các dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sinh con; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; chăm sóc người cao tuổi.
HỒNG PHƯƠNG