Dấu ấn một nhiệm kỳ - Kỳ 2: Phát huy vai trò giám sát - phản biện

Thứ Hai, 05/08/2024, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Giám sát, phản biện xã hội là một trong các hoạt động cơ bản của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hoạt động này thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. 

Đoàn của UBMTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát đường thực hiện dự án ĐT992 để chuẩn bị hội nghị phản biện.
Đoàn của UBMTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát đường thực hiện dự án ĐT992 để chuẩn bị hội nghị phản biện.

Đem lại hiệu quả cao

“Dự án ổn định dân cư cấp bách tại ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc” có tổng mức đầu tư hơn 27,6 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án chuyên ngành NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư, xây dựng công trình bờ kè biển dài 520m để ngăn chặn hiện tượng xâm thực, xói lở bờ biển tại khu vực xã Bình Châu, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho các hộ dân thuộc khu vực này. 

Được biết, năm 2012, công trình “Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa Bến Lội-Bình Châu” đã được đầu tư xây dựng với một số hạng mục: đê chắn sóng, luồng tàu vào khu tránh trú bão, hệ thống phao neo và trụ neo tàu. Tuy nhiên, khu vực phía Tây Nam của bến cập tàu và bờ kè biển bị xâm thực vào bờ hơn 50m, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của 48 hộ dân trong khu vực. Vì vậy, UBND huyện Xuyên Mộc đề xuất UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng Dự án ổn định dân cư cấp bách tại ấp Bình Hải, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. Thời điểm đó, người dân ấp Bình Hải cũng bày tỏ mong dự án sớm triển khai dự án để chống xâm thực bờ biển.

Tháng 7/2020, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức phản biện xã hội đối với dự án trên. Tại buổi phản biện chỉ rõ dự án cần chú ý đến một số nội dung, như: tăng bề rộng mặt đường vào bờ kè từ 3m lên 4m; bê tông cốt thép mặt đường đề nghị đổ dày 20cm. Đặc biệt, đoàn phản biện đề xuất để bảo đảm an toàn, chiều dài bờ kè cần kéo dài thêm hơn 50m, nối với hệ thống kè mỏ hàn hiện có của dự án khu neo đậu trú bão. Tránh biển đánh thông vào khu đầm phá, tiếp tục gây xói lở phía trong. Chủ đầu tư dự án đã tiếp thu các ý kiến này trong quá trình thực hiện dự án.

Năm 2023, UBMTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện phản biện xã hội đối với Dự thảo Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hội Bài - Phước Tân (ĐT992- của BQL Dự án Giao thông khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải), đoạn từ QL.51 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Qua khảo sát thực tế, các đại biểu cho rằng, dự án phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch giao thông vận tải của địa phương. Nhưng cần tính toán phương án giải phóng mặt bằng phù hợp, không làm ảnh hưởng nhiều tới hộ dân; đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn nghiên cứu hệ thống xử lý thoát nước; tác động của dự án đến môi trường, kinh tế-xã hội… Tất cả những đề nghị của đoàn giám sát được chủ đầu tư tiếp thu.

Phát hiện, xử lý vụ việc kịp thời

Bên cạnh công tác phản biện, MTTQ cũng rất quan tâm thực hiện nội dung giám sát. Trong đó, có thể kể đến một số nội dung tiêu biểu, như: Giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Giám sát cuộc bầu cử ĐBQH và bầu cử HĐND các cấp; Giám sát việc thực hiện các chính sách và quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh… Qua những cuộc giám sát, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã có những kiến nghị đến các cơ quan, đơn vị để sớm xử lý, khắc phục những hạn chế.

“Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã giúp cho cấp ủy, chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở nhìn nhận được những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến Nhân dân. Thời gian qua, nhiều vấn đề về tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng... cho các dự án mở rộng đường phục vụ công trình giao thông ban đầu còn vướng mắc, nhưng nhờ công tác giám sát, phản biện xã hội mà yêu cầu của người dân được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, người dân cũng đồng thuận bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công dự án mở rộng đường để các dự án hoàn thành tiến độ thi công”, ông Huỳnh Minh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết.

Nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tổ chức 1.201 cuộc giám sát, 617 nội dung phản biện xã hội. Nhiều nội dung giám sát và phản biện xã hội gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, phối hợp tổ chức 446 hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ với Nhân dân, 505 hội nghị “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” thu hút đông đảo người dân đến dự, phát biểu ý kiến.

Ông Huỳnh Minh cũng nhấn mạnh, thời gian tới, các nội dung giám sát cần xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; trong việc giám sát phải có quyết tâm cao, mạnh dạn, sáng tạo trong cách làm, không ngại đụng chạm và cần phát huy vai trò của chuyên gia, nhà khoa học, những người am hiểu đối với các lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.