Cha mẹ học cách tôn trọng con

Thứ Sáu, 09/08/2024, 14:26 [GMT+7]
In bài này
.

Tôn trọng con là việc làm vô cùng cần thiết và ý nghĩa với trẻ nhỏ. Vì thế mà ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ cần thực hiện thật tốt điều này để con có thể nhìn thế giới với mọi thứ tốt đẹp, được công nhận,  tin tưởng và sẽ ngày càng cố gắng và tự tin hơn ở bản thân.

Tôn trọng con cái là một hành trình đẹp đẽ, là bài học quý giá mà mỗi cha mẹ cần trải nghiệm và thực hành.
Tôn trọng con cái là một hành trình đẹp đẽ, là bài học quý giá mà mỗi cha mẹ cần trải nghiệm và thực hành.

Đừng xâm phạm quyền riêng tư, sở thích của con

Là một người mẹ đang có con học lớp 9, chị Kim Loan (phường 1, TP. Vũng Tàu) hiểu con mình đang trải qua giai đoạn "nổi loạn" của tuổi dậy thì. Vì thế mà chị lo lắng từ việc con kết bạn với ai, con có đang giấu cha mẹ chuyện gì, con có người yêu chưa, con học tập ra sao?... Từ những lo lắng ấy, chị cố gắng kiểm soát con bằng mọi biện pháp.

Dù nhà gần trường nhưng lúc nào chị cũng dành thời gian đưa, đón con đi học. Chị thường mở máy tính riêng của con để kiểm tra các tài khoản mạng xã hội, hay đôi khi vào phòng riêng đột xuất để kiểm tra con học bài.

Một ngày, chị Loan mở máy tính ra và phát hiện con đã để lại dòng tin nhắn: "Con biết mẹ sẽ xem nhưng chắc chắn mẹ không tìm thấy gì đâu. Con mong mẹ hãy tin tưởng ở con". Lúc ấy, tôi mới biết hóa ra con đã biết việc mẹ lén xem máy tính. Tôi cũng nhận ra nếu mình kiểm soát con theo cách này sẽ không còn hiệu quả, thậm chí con sẽ có những cách để mẹ không phát hiện", chị Loan bộc bạch.

Không riêng gì chị Kim Loan, thời gian qua, trên mạng xã hội facebook thường xuyên xuất hiện những bài viết với tiêu đề “Làm con ở Việt Nam thật khó”. Các bài viết này chỉ ra những cách giáo dục lỗi thời và không hợp lý trong xã hội hiện đại của các bậc phụ huynh và đã nhận được rất nhiều lượt like, share, comment. Nội dung của bài viết nói rằng ở Việt Nam, các bậc phụ huynh không tôn trọng quyền riêng tư của con cái, họ kiểm soát con cái trên tất cả các phương diện.

Có thể kể đến một vài hành vi cụ thể như cha mẹ thường xuyên lục lọi tủ đồ, ngăn kéo, cặp sách của con cái mỗi khi con không có nhà để xem con có cất giữ thứ gì bí mật không. Họ cũng kiểm tra điện thoại của con, xem con nhắn tin gọi điện cho ai nhiều nhất, nội dung của các cuộc tin nhắn là gì.

Những hành vi trên đây tưởng chừng bình thường, nhưng với những đứa trẻ nó thật sự kinh khủng. Đứa trẻ hẳn là sẽ phản ứng rất gay gắt khi biết được điều này. Đằng sau sự gay gắt ấy là tổn thương khi trẻ nghĩ rằng bạn chẳng hề tôn trọng chúng. Hãy thử tưởng tượng nếu như có người làm điều tương tự với bạn xem, chắc hẳn là không hề dễ chịu gì.

Tôn trọng con nhưng vẫn giữ kỷ luật

Tôn trọng trẻ là cách tốt nhất để cha mẹ gần gũi trẻ và đồng thời để trẻ cảm thấy tôn kính và tin yêu cha mẹ hơn. Việc cha mẹ tôn trọng con cái còn có tác dụng trong việc giúp con ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân. Vậy, cha mẹ cần học cách tôn trọng như thế nào?

Trước tiên, cha mẹ cần học cách tôn trọng sự riêng tư của con cái. Họ nên bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như gõ cửa trước khi vào phòng con, trước khi đăng ảnh con lên mạng thì hỏi ý kiến của con, và ngừng việc lôi chuyện trường lớp của con ra kể với hàng xóm chỉ để khoe mẽ.

Lý do tại sao họ cần phải làm như thế? Vì khi cha mẹ giám sát con cái thái quá là họ đang thể hiện sự thiếu tin tưởng. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái. Đứa trẻ bị kiểm soát quá nhiều sẽ có xu hướng tự thu mình lại, tự ti về bản thân, không dám làm những việc nó yêu thích.

Bên cạnh đó, trẻ em nào cũng có những sở thích, lí tưởng và ước mơ của chính mình mà cha mẹ không nên tuỳ tiện ngăn chặn, cản trở. Trước khi định can thiệp vào sở thích, hứng thú của trẻ, bố mẹ cần tìm hiểu kĩ xem chúng thích cái gì? Tại sao thích? Sở thích đó có lợi, hại ra sao? Nếu thấy sở thích của chúng là lành mạnh, có ích hoặc vô hại, chúng ta phải tôn trọng, không được tuỳ tiện ngăn chặn, cản trở chúng.

Trường hợp trẻ thổ lộ tâm sự cho cha mẹ biết lí tưởng, ước mơ của mình, cha mẹ cần lắng nghe, tỏ ra quan tâm với điều trẻ nói, khuyến khích trẻ nếu thấy điều đó phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời đưa ra những gợi ý để trẻ thực hiện ước mơ của mình. Ví dụ, để trở thành chú phi công lái máy bay, con cần phải chăm chỉ luyện tập thể thao để có sức khoẻ tốt, phải học thật giỏi để sau này có thể điều khiển máy bay... Đó là niềm tin, là động lực giúp trẻ vươn xa hơn trong hành trình khám phá và chinh phục thế giới.

Ngoài ra, cha mẹ không nên so sánh con với người khác hoặc lấy hình mẫu của một ai đó để hướng con theo. Bởi dù ở bất kỳ độ tuổi nào thì con cũng rất nhạy cảm khi bị so sánh với ai đó hoặc với chính hình ảnh của cha mẹ trong quá khứ. Thậm chí việc ép con phải đạt đến hình mẫu mà cha mẹ mong muốn sẽ không những khiến con thu mình, sống khép kín mà còn muốn trốn tránh bố mẹ. Thay vì so sánh như thế, cha mẹ hãy giúp đỡ và đồng hành cùng con để con có thể biến sự khác biệt của mình trở thành thế mạnh khẳng định bản thân.

Tuy nhiên, việc tôn trọng trẻ không phải là bất chấp đồng ý những yêu cầu dù rất phi lý từ con cái, cũng không phải để con “tự lực cánh sinh” đối diện những vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ phải thường xuyên quan sát, chú ý kèm cặp, giúp trẻ làm chủ được tư tưởng, hành động trong học tập, sinh hoạt và tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách. Góp ý cho trẻ biết cách chọn bạn để chơi, có ý thức gạt bỏ những nhân tố kém lành mạnh trong thế giới nội tâm.

Tôn trọng con cái là một hành trình đẹp đẽ, là bài học quý giá mà mỗi cha mẹ cần trải nghiệm và thực hành. Hãy cùng nhau bước đi trên con đường tôn trọng con cái, để rồi từng bước chân ấy sẽ gieo vào lòng trẻ hạt giống yêu thương, niềm tin và sự tự hào về cha mẹ, những người đã luôn tôn trọng và yêu thương trẻ vô điều kiện.

NGUYÊN HẢI

;
.