Cần chuẩn bị điều gì trước ngày xét nghiệm máu

Thứ Sáu, 02/08/2024, 21:58 [GMT+7]
In bài này
.

Xét nghiệm máu là một trong những chỉ định thường gặp nhất khi đi khám sức khỏe định kỳ, khi cần chẩn đoán, theo dõi nhiều bệnh lý. Để hiểu rõ hơn về các loại xét nghiệm máu thường gặp và có sự chuẩn bị tốt nhất, giảm thời gian chờ đợi khi đến cơ sở y tế, người cần xét nghiệm máu lưu ý một số điểm.

Nhân viên lấy máu xét nghiệm cho người bệnh.
Nhân viên lấy máu xét nghiệm cho người bệnh.

Xét nghiệu máu giúp tầm soát và đánh giá rất nhiều vấn đề sức khỏe

Theo ThS.BS Từ Mẫn Nhi, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bình Dân: Đối với xét nghiệm máu, thông thường người bệnh khi đi khám tổng quát sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đường huyết, xét nghiệm chức năng gan, thận; xét nghiệm Ion đồ (điện giải đồ). Cùng là xét nghiệm máu, nhưng mỗi xét nghiệm lại đánh giá những vấn đề khác nhau.

Xét nghiệm công thức máu: sẽ cho biết được số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu. Qua đếm số lượng hồng cầu, bác sĩ sẽ biết người bệnh có đang thiếu máu. Qua số lượng bạch cầu bác sĩ có thể xác định người bệnh đang có tình trạng viêm, nhiễm trùng hay nhiễm ký sinh trùng. Và qua số lượng tiểu cầu, bác sĩ có thể biết người bệnh có mắc phải chứng rối loạn đông máu.

Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận: sẽ phản ánh tình trạng hoạt động của gan và thận của người bệnh. Từ đó đánh giá được người bệnh có bị suy gan, có suy thận và suy ở mức độ nào. Xét nghiệm đường huyết (glucose máu) để đánh giá được người bệnh có bị đái tháo đường. Người bệnh cũng có thể được chỉ định thực hiện bộ xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan B, viêm gan C.

Xét nghiệm Ion đồ. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho người bệnh thực hiện xét nghiệm máu để đánh giá xem người bệnh có đang bị rối loạn các chất điện giải. Thường các xét nghiệm này được chỉ định khi người bệnh có tình trạng nhịp tim không đều, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy, chuột rút…

Một số người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện thêm những xét nghiệm máu chuyên sâu hơn như bộ xét nghiệm chức năng tuyến giáp để xác định tình trạng hoạt động của tuyến giáp, hỗ trợ đánh giá các bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, suy giáp… Bộ xét nghiệm mỡ trong máu để đánh giá tình trạng chuyển hóa mỡ. Các xét nghiệm máu này vừa giúp tầm soát, vừa là công cụ chẩn đoán và giúp bác sĩ theo dõi diễn tiến bệnh và đáp ứng điều trị của thuốc trên người bệnh.

Xét nghiệm máu tìm chỉ dấu ung thư: thông qua bộ xét nghiệm các chỉ dấu ung thư có thể gợi ý các nghi ngờ về ung gan, ung thư vú, ung thư dạ dày, đại trực tràng, ung thư tụy, ung thư tuyến tiền liệt trên người thực hiện.

Ngoài ra, khi khám tổng quát, bên cạnh xét nghiệm máu, người kiểm tra sức khỏe sẽ được chỉ định xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để nhằm gợi ý tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, các bệnh lý đường tiết niệu.

Một số điều cần chuẩn bị trước khi đi xét nghiệm máu

ThS.BS Từ Mẫn Nhi lưu ý: Để có kết quả xét nghiệm máu chính xác, người bệnh nên lưu ý 3 điểm sau trong vòng 24 giờ trước xét nghiệm máu:

Không vận động mạnh, chơi thể thao, tập thể dục. Lý do là tăng hoạt động sẽ làm tăng chuyển hóa trong cơ thể, cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm. Không nhai kẹo cao su. Lưu ý là cả kẹo cao su không đường cũng không nên sử dụng trong ngày trước xét nghiệm vì hoạt động nhai kích thích hệ tiêu hóa tiết ra dịch vị nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm. Về chủ đề này, tác giả Stony và cộng sự đã thực hiện nghiên cứu trên 22 người khỏe mạnh, cho tiến hành xét nghiệm máu trước và sau khi nhai kẹo cao su, kết quả xét nghiệm máu 25 thông số có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê : Bilirubin, Insuline, C-peptide, Hemoglobin, CMV… đều khác. Chỉ có xét nghiệm thời gian đông máu là không bị ảnh hưởng.  Không hút thuốc lá, không uống bia rượu, chất kích thích. Nhịn ăn theo hướng dẫn. Thông thường nhịn ăn khoảng 8 tiếng trước thời điểm xét nghiệm. Ví dụ người bệnh được xét nghiệm vào lúc 7h sáng, thì người bệnh không ăn sau 22h hôm trước. Người chuẩn bị làm xét nghiệm máu được uống nước nhưng là nước lọc, không phải các loại nước ngọt có gas, nước trái cây.

Lưu ý cho người đái tháo đường trước ngày xét nghiệm máu.

Thông thường bệnh nhân đái tháo đường đã có sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường. Bác sĩ cho chỉ định xét nghiệm máu có thể nhằm mục đích điều chỉnh thuốc và theo dõi đáp ứng thuốc của người bệnh. Vì thế, khi vào phòng khám cần hỏi bác sĩ về thứ tự ưu tiên của các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thực hiện để ưu tiên thực hiện xét nghiệm máu tránh chờ lâu gây hạ đường huyết. Khi đã lấy máu xong, người bệnh có thể dùng thức ăn nhẹ hoặc sữa. Sau đó mới đi thực hiện tiếp các chỉ định không đòi hỏi nhịn ăn.

Băng cá nhân sau khi lấy máu nên loại bỏ sau khoảng 1 tiếng

Đối với băng keo cá nhân được dán sau lấy máu, để tránh chảy máu, người vừa được lấy máu có thể ấn nhẹ vào vùng này tầm 5 phút, sau đó loại bỏ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ kể từ khi lấy máu xong. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp có bệnh lý về đông cầm máu và người có dùng thuốc kháng đông thì thời gian cầm máu sẽ lâu hơn.

Có thể đi xét nghiệm máu vào buổi chiều

Lý do người bệnh có thói quen đi xét nghiệm vào buổi sáng là vì tiện do đã nhịn đói qua đêm, thuận lợi để lấy máu xét nghiệm. Ngoài ra, một số người từ các tỉnh thành xa, muốn chọn đi xe khách qua đêm hoặc chuyến sáng sớm để đến cơ sở y tế tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh sớm, với mong muốn được về sớm. Chính vì tâm lý phổ biến này nên buổi sáng tại các cơ sở y tế tuyến cuối thường ùn ứ đông đúc, nhiều khi chen lấn nhau gây mệt mỏi và nguy cơ mất an ninh trật tự. Trong khi khung giờ chiều rất vắng. Do đó, thay vì dồn vào đi xét nghiệm buổi sáng phải chờ đợi lâu, người dân có thể chọn xét nghiệm vào buổi chiều.

Người cần xét nghiệm chỉ cần lưu ý thời điểm ăn gần nhất cách thời điểm lấy máu 8-12 giờ (tùy từng xét nghiệm) là được. Nghĩa là người bệnh có thể vẫn giữ thói quen ăn sáng sớm, rồi chuẩn bị đến bệnh viện vào đầu giờ chiều gặp bác sĩ và thực hiện xét nghiệm, sau đó ăn xế và tiếp tục thực hiện các cận lâm sàng khác. Trải nghiệm khám bệnh sẽ nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn so với việc đi khám, xét nghiệm vào buổi sáng.

TRẦN NHUNG

;
.