Bị đồi mồi có chữa hết được không?

Thứ Sáu, 09/08/2024, 14:25 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi 63 tuổi, vài năm gần đây trên mặt, cánh tay, mu bàn tay nổi lên những đốm nhỏ, màu sắc từ nâu nhạt đến nâu đậm nhưng không đau, không ngứa, có người nói là tôi bị đồi mồi. Xin bác sĩ cho biết đồi mồi là gì, tại sao lại bị và có thể chữa hết được không?

(minhson@gmail.com)

Nếu không có các dấu hiệu ung thư da, đồi mồi không cần phải điều trị vì đó là quy luật của lão hoá.
Nếu không có các dấu hiệu ung thư da, đồi mồi không cần phải điều trị vì đó là quy luật của lão hoá.

Trả lời: Đồi mồi là chữ dân gian dùng để chỉ sự xuất hiện những đốm phẳng, hình bầu dục, màu nâu, xám hoặc đen, kích thước to nhỏ không đều nhau nhưng thường từ 0,5cm đến 2,5cm, nổi lên bề mặt da ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như da mặt, vai, ngực, bàn tay, cánh tay… Nó là biểu hiện của lão hóa da và theo thời gian, các vết đồi mồi sẽ tăng dần về kích thước và sẫm hơn về màu sắc.

Đồi mồi phổ biến ở người từ 40 tuổi trở lên vì giai đoạn này, da dần mỏng đi, kém đàn hồi và bị tổn thương nếu tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài. Tuy nhiên, đồi mồi cũng có thể thấy ở những người trẻ tuổi, nhất là những người thường xuyên làm việc dưới ánh mặt trời vào những thời điểm gay gắt nhất mà không có các biện pháp bảo vệ.

Nguyên nhân xuất hiện đồi mồi: Dưới lớp biểu bì ở da của chúng ta, các tế bào Melanocyte sản sinh ra Melanin, có tác dụng bảo vệ làn da trước tác hại của các tia UV trong ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, khi Melanin tập trung với mật độ lớn, sẽ gây tình trạng đồi mồi, nám da, sạm da,...

Nguyên nhân gây tăng Melanin được chia thành 2 nhóm là yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong. Yếu tố bên ngoài phổ biến nhất là tia UV trong ánh nắng mặt trời, kích thích tế bào Melanocyte sản xuất quá nhiều Melanin. Khi cơ thể bước vào tuổi trung niên, khả năng tự đào thải của da suy yếu dần, một số Melanin tích tụ lại trên bề mặt da tạo thành đồi mồi. Bên cạnh đó, nếu sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh có tính nhạy cảm với ánh nắng mặt trời như Tetracyclin, Sulfamid, Doxycyclin,.., hoặc sử dụng một số mỹ phẩm khiến da nhạy cảm với ánh nắng cũng dẫn đến đồi mồi xuất hiện.

Các yếu tố bên trong gồm di truyền, rối loạn nội tiết khi mang thai, uống thuốc tránh thai hoặc thuốc nội tiết, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ,... làm thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất Melanin.

Điều trị đồi mồi: Thông thường, đồi mồi chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ chứ không gây nguy hại cho sức khoẻ ngoại trừ trường hợp các đốm đồi mồi có sự tăng trưởng nhanh về kích thước, màu sắc, bề mặt trở nên sần sùi, đau, ngứa hoặc chảy máu. Khi ấy người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám nhằm phát hiện sớm ung thư da.

Để điều trị đồi mồi, các phương pháp thường được bác sĩ da liễu áp dụng là tẩy da với chất Aalpha hydroxy acid (AHA), hoặc dùng liệu pháp Laser YAG hoặc chiếu năng lượng IPL. Những phương pháp này có tác dụng hấp thu sắc tố Melamin khiến màu sắc đồi mồi nhạt dần rồi biến mất.

Tuy nhiên điều trị đồi mồi cần thời gian dài và chi phí rất tốn kém. Vì thế, theo quan điểm của nhiều bác sĩ da liễu, không cần phải chữa đồi mồi nếu nó đã xuất hiện và không có những dấu hiệu của ung thư da bởi lẽ về phương diện sinh lý cơ thể, đồi mồi nằm trong quy luật lão hoá, giống như càng lớn tuổi mắt càng mờ, tai nghe kém, phản xạ chậm, chân tay hoạt động yếu…

Điều quan trọng là phòng ngừa ngay từ khi trên da chưa có đồi mồi bằng cách hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt (từ 10h - 15h) mà không che chắn kỹ lưỡng hoặc bôi kem chống nắng ở những vùng da hở. Ăn uống nên bổ sung rau, hoa quả tươi, các thực phẩm giàu vitamin A, E, C, Omega-3, Selen, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc để làm chậm bớt quá trình lão hóa da.

ThS, Bs CK II NGUYỄN VĂN ÚT

;
.