Hỏi: Tôi có đứa con trai 14 tuổi, 2 năm trước đây nó lên cơn phong xù và hiện tại, thỉnh thoảng lại xảy ra. Khi đó nó bỗng dưng té ngã, mê man không biết gì, sùi bọt mép, co giật rồi chỉ vài phút sau nó tỉnh lại bình thường nhưng không nhớ gì cả. Xin bác sĩ cho biết vì sao bị bệnh này và có chữa được không?
Trả lời: Qua mô tả của anh, có thể cháu đã bị động kinh còn phong xù là chữ dân gian thường hay gọi để chỉ căn bệnh này. Nó là bệnh mãn tính xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn đến sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau gây ra những biểu hiện khác nhau như co giật, cơn vắng ý thức đột ngột, co cứng chân tay, sùi bọt mép, mắt trợn trắng, răng nghiến chặt. Nó xảy ra nhưng không có bất kỳ một dấu hiệu nào báo trước.
Nguyên nhân gây động kinh: Bệnh nhân trước đó đã bị chấn thương sọ não hoặc những bệnh làm tổn thương não như u não, đột quỵ, viêm não, viêm màng não. Riêng với thai nhi bị chấn thương não trong quá trình ra đời thì khi lớn lên, cũng dễ mắc phải bệnh động kinh.
Bệnh động kinh được chia thành nhiều dạng như động kinh cục bộ đơn giản, người bệnh co cứng hoặc co giật một phần cơ thể, mắt nhìn mờ hoặc không thấy gì…, kéo dài từ 1 đến 3 phút. Với động kinh cục bộ phức tạp, bệnh nhân gần như mất nhận thức và không biết cơn động kinh đang xảy ra. Khi tỉnh lại, họ cũng không nhớ là mình vừa bị động kinh. Nặng nhất là dạng động kinh toàn thể, bệnh nhân co cứng, co giật toàn bộ thân người, té ngã vì mất thăng bằng, sùi bọt mép, có thể tiêu, tiểu không kiểm soát. Cơn động kinh kéo dài từ 3 đến 5 phút, bệnh nhân tỉnh lại, sinh hoạt bình thường nhưng cũng như động kinh cục bộ phức tạp, họ không nhớ gì về những chuyện vừa xảy ra.
Xử trí với người bị động kinh: Khi thấy bắt đầu có dấu hiệu động kinh, để tránh té ngã gây thương tích, nên nhanh chóng đưa họ nằm lên giường hoặc một mặt phẳng. Đặt đầu bệnh nhân nghiêng về một bên cho dễ thở. Nếu bệnh nhân nghiến răng, dùng đôi đũa hoặc cán của chiếc muỗng đặt ngang miệng, giữa hai hàm răng để họ không cắn phải lưỡi. Tuyệt đối không cạo gió, chích lể vì nó sẽ kích thích vỏ não phóng điện nhiều hơn. Cơn động kinh nếu xảy ra liên tục- cứ vài ngày một lần thì thân nhân nên cân nhắc khi để bệnh nhân lái xe, lái tàu thuyền, làm những việc phải leo lên cao, những việc phải tiếp xúc với vật bén nhọn, với các dụng cụ điện nhằm tránh xảy ra tai nạn.
Điều trị động kinh: Người bệnh cần được đưa đến những cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, làm điện não đồ, chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ nhằm đánh giá những tổn thương, bất thường ở não. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp. Cần nhớ rằng động kinh không phải là bị ma ám hay bị ông này, bà kia nhập vào nên mọi chuyện cúng bái, thỉnh bùa, cho uống tàn nhang nước thánh sẽ chỉ là vô ích mà thôi.
Bs NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI