Trầm cảm ở người cao tuổi

Thứ Sáu, 26/07/2024, 15:35 [GMT+7]
In bài này
.

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới. Theo WHO, cứ 20 người thì có 1 người từng bị trầm cảm, đa số từ 60 tuổi trở lên, phụ nữ gấp đôi nam giới. 1/60 người bị trầm cảm có khuynh hướng muốn tự tử, 1/20 suy sụp cả về thể chất lẫn trí tuệ kéo dài.

Trầm cảm phần lớn xảy ra ở người già nên cần tìm hiểu nguyên nhân để có hướng chữa trị.
Trầm cảm phần lớn xảy ra ở người già nên cần tìm hiểu nguyên nhân để có hướng chữa trị.

Các biểu hiện của trầm cảm

Thoạt đầu, người bệnh thường buồn phiền, ít nói nhưng khi nói ra thì phần lớn là than thân trách phận, oán giận người khác, đả kích những cái mà họ cho là bất công đối với họ. Dần dà họ xa lánh các giao tiếp, cả gia đình lẫn xã hội, không hứng thú với sinh hoạt hàng ngày kể cả ăn uống, ngủ nghỉ. Họ tự cô lập mình, thích ở những chỗ vắng, ít ánh sáng, ít tiếng ồn, dễ dàng nổi nóng khi con cháu cười đùa la hét hoặc mở tivi, nghe nhạc quá lớn. Nếu gặp người đồng cảm, họ có thể nói chuyện hàng giờ nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là những chuyện đã làm cho họ bức xúc dù có thể nó vô lý.

Theo các chuyên gia ngành tâm thần, trầm cảm được chia thành 2 dạng là trầm cảm tâm lý và trầm cảm thể chất. Ở dạng trầm cảm tâm lý, người bệnh thường xuyên buồn bã, cảm thấy vô vọng và bất lực, cảm thấy tội lỗi, dễ nổi nóng, lo lắng nhiều, kể cả với những chuyện rất nhỏ, rất khó khi phải đưa ra quyết định, có khuynh hướng tự tử hoặc làm tổn thương cơ thể. Với người trầm cảm thể chất, họ thường đi lại chậm, nói chậm, làm chậm, thay đổi cách ăn uống, chán ăn, sụt cân, thiếu năng lượng. giảm ham muốn tình dục, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, né tránh tiếp xúc với bạn bè và các hoạt động chung…

Nguyên nhân gây trầm cảm

Người thân yêu chết bất ngờ, bị lừa đối, phản bội trong tình yêu, hôn nhân, mất việc làm, bị cấp trên đánh giá sai, cảm thấy năng lực của mình không được sử dụng đúng, căng thẳng về tài chính, mặc cảm dai dẳng vì nghèo, vì thua sút bạn bè và ngay cả anh chị em trong nhà về nhiều phương diện, bị bệnh nan y, bị chế nhạo vì bản thân có khuyết tật nào đó, con cái bất hiếu, bất hoà, bị bỏ rơi không người nuôi dưỡng, thua cờ bạc, cá độ bóng đá…

Với phụ nữ, ngoài những nguyên nhân kể trên, trầm cảm còn do những thay đổi về nội tiết tố dẫn đến thay đổi thể chất khi mang thai cũng như trách nhiệm nuôi con, nhất là những bà mẹ đơn thân, kinh tế kém hoặc mâu thuẫn gia đình. Cũng có trường hợp người cao tuổi sống ở quê, được con cái đón lên thành phố để tiện việc chăm sóc nhưng trong quá trình sống khép kín, không bè bạn, không bà con hàng xóm để hàng ngày trò chuyện, dần dà sinh ra trầm cảm.

Khi đã bị trầm cảm, chất lượng sống của người bệnh giảm sút nên rất khó để khiến họ tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Một số người đối phó bằng cách uống rượu, bia, số ít dùng ma túy, thuốc an thần. Điều này có thể dẫn đến vòng xoáy trầm cảm vì ma túy, rượu, bia ảnh hướng trực tiếp đến sự sản sinh các chất hóa học ở não. Nó có thể khiến người bệnh đột nhiên hưng phấn một cách mãnh liệt nhưng sau đó, họ lại càng rơi sâu vào tuyệt vọng, chán chường.

Trầm cảm và nguy cơ tự tử

Trầm cảm là yếu tố chính dẫn đến tự tử. Sự tuyệt vọng khiến người bệnh nghĩ đến cái chết để thoát khỏi nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, thể hiện bằng những dấu hiệu như thường xuyên nói về cái chết, những câu hàm ý trăn trối, cho, tặng những đồ vật yêu thích. Cũng có trường hợp trước khi tự tử, người trầm cảm đột nhiên trở nên vui vẻ, sắp xếp lại đồ vật trong nhà, trong phòng riêng một cách tỉ mỉ, thăm viếng bạn bè, trả những món nợ mà từ lâu họ đã quên, dặn dò gia đình, người thân những việc thường nhật…

Thực tế cho thấy phần lớn người cao tuổi bị trầm cảm có thể không biết mình bị trầm cảm mà thay vào đó, họ kêu ca về một số bệnh tật đang mắc phải như rối loạn tiêu hoá, bệnh tim mạch, đau nhức cơ, rối loạn trí nhớ, chứng hay quên… nên rất khó kết luận là họ đang bị trầm cảm. Vì vậy, người thân trong gia đình nên đặc biệt lưu tâm về những thay đổi của họ như đi lại, nói năng, trò chuyện, ăn uống, ngủ nghỉ, tính tình…, và nhất là những lời than phiền.

Điều trị trầm cảm

Khi thấy trong gia đình có người lớn tuổi xuất hiện những triệu chứng như vừa nêu ở trên, thân nhân nên cố gắng tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến những hiện tượng ấy. Việc tìm hiểu cần có ý kiến của mọi người trong nhà cùng những bạn bè thân thiết của bệnh nhân vì có thể mỗi người chỉ hiểu được một vài khía cạnh trong cuộc sống của bệnh nhân. Sau khi tổng hợp những ý kiến đó, nên đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm, thần kinh cùng chuyên gia tâm lý.

Bên cạnh đó, biểu lộ tình yêu thương, chăm sóc để họ không cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Khuyến khích họ tham gia những vận động thể chất có tính cộng đồng như tập dưỡng sinh, yoga, tham gia câu lạc bộ người cao tuổi, sắp xếp cho họ đi du lịch hoặc về thăm lại quê hương mỗi năm ít nhất 1 lần, chế độ ăn cho họ phải đảm bảo đủ chất nhưng không lạm dụng chất đường, chất béo, nhất là chất béo động vật. Nếu họ nghiện thuốc lá, bia rượu, tập cho họ bỏ bằng cách kéo dài thời gian giữa hai lần hút thuốc hoặc uống rượu bia. Nếu người trầm cảm phải điều trị bằng thuốc, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về thời gian và liều lượng.

Trầm cảm không phải là điên nên đừng bao giờ áp dụng biện pháp cô lập người bị trầm cảm. Thường xuyên trò chuyện với họ như người bình thường, gợi ý cho họ kể lại những kỷ niệm xa xưa, chẳng hạn như họ đã nuôi dạy từng người con như thế nào, dựng vợ gả chồng cho con trai, con gái ra sao vì một khi ký ức được khơi dậy, chứng trầm cảm sẽ dần biến mất…

Thạc sĩ tâm lý TRẦN LÊ TRANG

;
.