Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 người có công tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Họ là những tấm gương đáng tự hào của một thời khói lửa và cả trong thời bình.
Đoàn đại biểu người có công tiêu biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu năm 2024 được tổ chức tại Hà Nội. |
Theo cách mạng từ tuổi 15
Đi qua khói lửa chiến tranh, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ở tuổi xế chiều, các thương binh, bệnh binh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn miệt mài đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương.
Dù ở tuổi 74 nhưng bà Nguyễn Thị Mỹ, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, thương binh 48% (phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa) vẫn tích cực tham gia hoạt động phong trào tại địa phương. Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương Hòa Long, từ nhỏ bà đã đi theo cách mạng.
“15 tuổi tôi tham gia kháng chiến. Từ làm văn thư đánh máy rồi tải thương, tải đạn...”, bà Mỹ kể. Năm 1968 bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Chỉ 1 năm sau, bà được phân công về xã Hòa Long trong thời điểm địch mở cuộc càn quét lớn. Tháng 6/1969 nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Mỹ bị địch bắt tù đày và bị giam tại Khám đường Bà Rịa rồi tới Hố Nai, nhà lao Phú Tài (Quy Nhơn), Cần Thơ. Tháng 2/1973 bà Mỹ được trao trả tự do.
Sau ngày hòa bình lập lại, bà có nhiều năm công tác tại Hội LHPN, Sở LĐTBXH rồi làm Giám đốc Nhà Điều dưỡng Nam Bộ... Đến tuổi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục gắn bó, đóng góp cho hoạt động phong trào ở địa phương. Hiện bà là Chủ tịch Hội người tù kháng chiến tỉnh. Ở vị trí công tác nào, bà cũng phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” làm hết sức mình, trách nhiệm và cống hiến cho phong trào chung, được bà con địa phương yêu quý, kính trọng.
Cuộc đời là quá trình cống hiến không ngừng
Gần 67 tuổi đời, 45 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Anh Võ, thương binh mất sức 41% (phường 7, TP.Vũng Tàu) luôn lấy lý tưởng của Đảng làm kim chỉ nam trong suốt quá trình phấn đấu. Tinh thần đó luôn xuyên suốt trong quá trình phấn đấu, từ lúc ông còn là sĩ quan pháo binh, đến khi là Thượng tá, Tiểu đoàn trưởng tại Quân đoàn 14.
Năm 1991 sau khi xuất ngũ, ôngVõ đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như: Trưởng phòng Tổ chức của Xí nghiệp may, cán bộ văn phòng Đảng ủy của Liên doanh Vietsovpetro. Nghỉ hưu, trở về địa phương, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ KP.9, phường 7.
“Khắc ghi lời dạy của Bác “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, với vai trò Bí thư Chi bộ KP.9, tôi luôn cố gắng đi đầu trong các hoạt động. Trải qua 2 nhiệm kỳ, từ Chi bộ yếu kém nhất của phường, tôi cùng anh, em đã xây dựng Chi bộ trở thành xuất sắc tiêu biểu nhất của phường”, ông Võ chia sẻ. Luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, ông là đảng viên xuất sắc 5 năm liền. Trong các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, về công tác mặt trận... ông đạt nhiều giải Nhất, Nhì của tỉnh, thành phố.
Câu chuyện về thương binh hạng 4/4 Hồ Hoàng Dũng (huyện Xuyên Mộc) cũng khiến nhiều người xúc động. Ông là người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học. Tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, khi ấy ông làm du kích xã Bình Châu huyện Xuyên Mộc, rồi làm xã đội phó dân quân chiến đấu xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. Hòa bình, ông trải qua nhiều vị trí công tác như: Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Xuyên Mộc; Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy.
Từ năm 2005 đến nay, ông nghỉ hưu tại xã Xuyên Mộc. Với suy nghĩ làm được gì có ích cho xã hội, cho bà con làng xóm thì gắng sức làm, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Ông cùng địa phương vận động bà con hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương phát động.
Hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sỹ trên mặt trận bảo vệ Tổ quốc, trở về quê hương, cựu binh Trần Tấn Huy (SN 1947, TT.Long Điền, huyện Long Điền) đã có hàng chục năm cống hiến trên nhiều vai trò, nhiệm vụ công tác trên quê hương Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tháng 6 năm 1965, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Trần Tấn Huy lên đường nhập ngũ. Sau 1 tháng huấn luyện, ông làm nhiệm vụ tại Huyện ủy Long Đất. Tháng 12/1969 bị thương trong khi đi tải lương thực cho đơn vị và phải đều trị đến tháng 12/1970. Khi sức khỏe bình phục ông tiếp tục phục vụ cho cách mạng. Sau ngày 30/4/1975, ông Huy tiếp tục phục vụ cho Đảng và Nhà nước đến khi nghỉ hưu. Từ tháng 5/1975 đến 2003, ông đảm nhiệm nhiều vị trí công tác như: phụ trách UBKT Huyện ủy, Giám đốc Xí nghiệp gạch, Trưởng Ban kế hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện Long Đất rồi làm Giám đốc Sở Thương mại tỉnh. Ông được tặng thưởng Huy chương chống Mỹ hạng II, Huân chương Lao động hạng II, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp.
Tham gia hoạt động cách mạng khi mới 19 tuổi, bệnh binh 2/3 Trịnh Thị Ngôi, ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ cũng là tấm gương người có công tiêu biểu. Sau khi hòa bình lập lại, bà Ngôi tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động phong trào tại địa phương. Dù làm Tổ trưởng tổ dân cư, Tổ trưởng tổ phụ nữ, hay là thành viên của Hội Cựu chiến binh..., bà Ngôi đều tích cực cống hiến, được bà con tin yêu, đồng đội quý mến.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN