PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ

Nhiều lợi ích khi bỏ hút thuốc

Thứ Ba, 30/07/2024, 19:04 [GMT+7]
In bài này
.

Từng là những người nghiện hút thuốc lá, nhưng chỉ đến khi sức khỏe có vấn đề, họ mới nhận thức được sự nguy hại của thuốc lá và quyết tâm từ bỏ khói thuốc. Việc làm này tuy muộn, song cũng góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Người hút thuốc lá dễ bị mắc các bệnh mãn tính. Trong ảnh: Bác sĩ Đào Thị Thanh Hương (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa) khám bệnh cho một trường hợp hút thuốc lá.
Người hút thuốc lá dễ bị mắc các bệnh mãn tính. Trong ảnh: Bác sĩ Đào Thị Thanh Hương (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa) khám bệnh cho một trường hợp hút thuốc lá.

Bỏ thuốc không bao giờ muộn

Ông Trương Tấn Thanh (61 tuổi, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) hút thuốc lá khi ông mới 18 tuổi. Thời điểm đó, thấy đồng nghiệp hút thuốc nên ông cũng hút theo. Hơn nữa, ông Thành thường xuyên phải làm việc ban đêm nên hút thuốc giúp ông tỉnh táo đầu óc. Với “thâm niên” hút thuốc lá hơn 30 năm đã khiến sức khỏe của ông ngày càng giảm sút. Ngoài thường xuyên ho nhiều, khó thở, ông còn được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đây là những hậu quả của việc hút thuốc lá nhiều năm qua của ông.

Sau nhiều lần phải nhập viện điều trị, vừa tốn kém chi phí và bất tiện cho gia đình cũng như nhận thức được lời tư vấn của bác sĩ, cách đây mấy năm, ông Thanh đã quyết tâm và bỏ hút thuốc thành công. Tuy bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa lành, nhưng từ khi không hút thuốc đã giúp ông giảm các cơn khó thở, ho và không còn hôi miệng. “Tôi cai thuốc lá tuy có muộn, nhưng giúp tôi duy trì sức khỏe ổn định, nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chưa bị nặng thêm”, ông Thanh cho hay.

Giống như ông Thanh, ông Trần Văn Long (65 tuổi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cũng hút thuốc lá khi hồi còn trẻ. Ông làm nghề đi biển, môi trường lạnh lẽo nên thường xuyên hút thuốc, khoảng 2 gói/ngày cho "ấm bụng". Các bạn đi cùng ghe cũng hút thuốc lá nên ông rất khó rời xa môi trường không khói thuốc. Nhiều lần ông từ bỏ hút thuốc nhưng bất thành. Sau này, khi tuổi cao, ít đi biển hơn, sức khỏe của ông bắt đầu có những dấu hiệu như ngủ dậy khó thở, vàng răng, nhất là có cháu nhỏ trong nhà nên ông từng bước hạn chế hút thuốc. Đến nay, ông Long đã cai được thuốc lá. Ông Long chia sẻ: “Tôi vẫn luôn nhận thức thuốc lá có hại cho sức khỏe, song việc bỏ thuốc không phải chuyện dễ. Sau khi bỏ thuốc, tôi thường xuyên đi bộ và tắm biển, chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý nên người khỏe ra, tinh thần thoải mái hơn”.

Bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng

Theo bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa, trung bình mỗi ngày có từ 25-30 bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Những người này chủ yếu mắc bệnh viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ hóa phổi, hen suyễn… Hút thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý cho bản thân người hút lẫn cộng đồng.

Ngoài gây ra các bệnh nói trên, hút thuốc lá còn gây ra nhiều biến chứng liên quan đến mắt, tim mạch, đột quỵ, ưng thư… Khi mắc bệnh phải điều trị lâu dài nên tốn kém chi phí, làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Theo bác sĩ Thanh Hương (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa) để cai thuốc lá, người hút cần phải có ý chí và sự quyết tâm cao. Trong đó, cần tránh xa những chỗ có người đang hút thuốc kết hợp thực hiện các biện pháp như: uống nước lọc nhiều, từ 2 lít trở lên/ngày nhằm làm sạch chất nicotine còn bám trong họng, hạn chế cơn thèm thuốc. Bên cạnh đó, người hút thuốc cần đánh răng 3 lần/ngày; thường xuyên súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dùng; thay đổi chế độ ăn uống, bỏ đồ uống có ga, cồn, không ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ nên ăn nhiều rau xanh, trái cây. Đồng thời có thể uống thêm nước ép trái cây, nhai kẹo và kết hợp tập luyện thể dục.

Bác sĩ Đào Thị Thanh Hương (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa) cho rằng, thuốc lá tàn phá cơ thể từ từ và kéo dài. Từ 40 tuổi trở lên, hậu quả của hút thuốc lá mới thể hiện rõ rệt. Vì vậy, người hút thuốc cần phải chấm dứt việc này. Bỏ hút thuốc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Giảm tình trạng ố vàng răng và lão hóa tế bào. Giảm tỷ lệ ung thư hầu họng, phổi, đại tràng. Giảm khả năng mắc các bệnh mãn tính  như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn, hen suyễn cũng như các bệnh về tim mạch, nhất là đột quỵ…

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.