.
NGÀY TOÀN DÂN PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI (30/7)

Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau

Cập nhật: 18:15, 29/07/2024 (GMT+7)

Tội phạm mua bán người trên cả nước có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trước thực tế đó, lực lượng công an và cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này. Bên cạnh đó, mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân, đặc biệt là trẻ em.

Cán bộ Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại TP.Vũng Tàu.
Cán bộ Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật cho học sinh tại TP.Vũng Tàu.

Nhận diện các thủ đoạn

Theo cơ quan công an, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như: nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc ít người; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài; đẻ thuê; ra nước ngoài lao động làm thuê, du lịch, chữa bệnh...

Thủ đoạn của tội phạm mua, bán người thường dùng tên, tuổi, địa chỉ giả; thường xuyên không cung cấp hình ảnh, số điện thoại mà liên lạc chủ yếu qua mạng xã hội như Zalo, Facebook… Đối tượng không hẹn gặp trực tiếp, chủ yếu hướng dẫn, liên lạc qua điện thoại.

Dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc nhẹ, lương cao, lấy chồng nước ngoài để có cuộc sống giàu sang. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp hình ảnh thông tin, địa chỉ để tổ chức xem mặt chọn vợ. Công việc, địa điểm đưa nạn nhân đến làm việc thường không có địa chỉ cụ thể…

Theo Công an tỉnh, từ năm 2023, trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra hiện tượng mua bán người trong khu vực nội địa nhằm vào số lao động đi đánh bắt hải sản trên biển với phương thức thủ đoạn như: xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trên các tàu, ghe đánh bắt hải sản trên biển, số đối tượng hoạt động mua bán người đã cấu kết với số đối tượng chạy xe ôm tại các khu vực thuộc TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương để tìm kiếm người lao động. Sau khi tiếp cận, giới thiệu và được nạn nhân đồng ý, các đối tượng xe ôm sẽ chở nạn nhân xuống bàn giao cho các đối tượng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…

Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (gọi tắt là Ban chỉ đạo 138 tỉnh) xác định tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm.

Tuyên truyền sâu rộng

Nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị đấu tranh chống tội phạm mua bán người, mới đây, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường đấu tranh phòng, chống mua bán người và triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người-30/7” năm 2024, với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.

Theo đó, Công an tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm mua bán người; phát huy vai trò của lực lượng công an cấp xã trong công tác phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác nắm tình hình, quản lý cư trú, quản lý đối tượng... tại địa bàn cơ sở. Làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.

Các lực lượng trong Công an tỉnh, trong đó, chủ công là lực lượng Cảnh sát Hình sự phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai quyết liệt các mặt công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; làm tốt công tác nắm tình hình, phòng ngừa nghiệp vụ, nhất là địa bàn trọng điểm và không gian mạng; tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người; xác lập, điều tra, triệt phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người.

Tăng cường phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác tuyên truyền, tổ chức chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người. Kịp thời cập nhật, thông báo đến các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người và chính sách, pháp luật mới về công tác phòng, chống mua bán người…Kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi bật trong phòng, chống mua bán người.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

.
.
.