Nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội

Chủ Nhật, 28/07/2024, 18:47 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh” do Sở LĐTBXH tổ chức vừa diễn ra, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội, đặc biệt là chăm lo đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội, các đại biểu cho rằng trước tiên cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Trong ảnh: Trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em được nhận học bổng.
Để nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội, các đại biểu cho rằng trước tiên cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Trong ảnh: Trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em được nhận học bổng.

Còn nhiều khó khăn, bất cập

Thống kê của Sở LĐTBXH cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có gần 28.600 người nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; gần 272.800 trẻ em, trong đó 2.468 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 4.336 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; 150.000 người cao tuổi, trong đó có 700 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo; hơn 14.340 người khuyết tật và gần 2.000 nhóm đối tượng khác cần đến sự trợ giúp xã hội… Trong khi, mạng lưới nhân viên, công tác viên làm CTXH còn khiêm tốn với trên 2.000 người và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác viên ở cơ sở.

Thực tế, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH hiện còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và chưa có sự gắn kết, sự cộng tác phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể còn hạn chế. Các dịch vụ CTXH thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu thốn; năng lực cung cấp dịch vụ CTXH và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và đa số chưa được đào tạo chuyên nghiệp; năng lực của đội ngũ cán bộ làm CTXH tuyến cơ sở còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong xử lý can thiệp, trợ giúp đối tượng. Đặc biệt là xử lý can thiệp các trường hợp cần bảo vệ khẩn cấp, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Tại hội thảo, đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về khó khăn, thực trạng và bàn giải pháp phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm các công việc ngành CTXH đang thực hiện tại trường học, bệnh viện; công tác trợ giúp người cao tuổi, người tâm thần, trợ giúp bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại… 

Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, hiện các trường học không có người làm CTXH chuyên trách. Người đảm nhiệm CTXH đều là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm dẫn tới hiệu quả chưa cao. Chưa kể, phòng tham vấn tâm lý học đường tại trường chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị,… dẫn tới chưa thu hút được học sinh.

Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 15 cơ sở BTXH; 1 cơ sở cai nghiện ma túy; 1 Trung tâm Điều dưỡng NCC; 7 nhà tạm lánh. 136 trường tiểu học, 91 trường THCS và 46 đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT có nhân viên công tác xã hội; 3/06 bệnh viện thành lập phòng CTXH và 15 tổ CTXH tại các đơn vị trực thuộc…

 

Nâng cao cả chất và lượng

Để nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội, các đại biểu cho rằng trước tiên cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Đặc biệt cần quan tâm tới cơ chế, có chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút lực lượng này. Cùng với đó, phải xây dựng đề án vị trí việc làm cho đối tượng làm CTXH.

Bà Lê Cẩm Hằng, công chức xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) đề xuất, để nâng cao đội ngũ cán bộ CTXH tại địa phương cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên làm CTXH. Đặc biệt, cần có chế độ hỗ trợ, tạo động lực cho người làm CTXH chuyên tâm gắn bó với công việc. Điều cốt lõi nữa là, cần hạn chế việc luân chuyển cán bộ thường xuyên.

Ông Trần Sạn, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ trẻ em tỉnh mong muốn sớm có cơ chế bổ sung thêm biên chế làm CTXH. Lực lượng biên chế CTXH phải được đào tạo chuyên sâu và có trình độ, tính chuyên nghiệp, có kinh nghiệm. “Đó phải là những người vững chuyên môn và có khả năng hỗ trợ can thiệp tốt cho những trường hợp từ thực tế cuộc sống”, ông Sạn cho biết.

Thượng tá Huỳnh Tấn Lập, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh cho rằng: “Ngoài tăng cường về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, chính trị thì người làm CTXH phải là những người có tâm. Đây là công việc rất cần sự nhân ái, tấm lòng bởi không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và bảo đảm quyền cho người bị tạm giữ, tạm giam”.

Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở BTXH công lập và 13 cơ sở BTXH ngoài công lập, 2 cơ sở trợ giúp XH đặc thù; 7/8 huyện, thị xã, thành phố có mô hình nhà tạm lánh. Ngoài ra ở mỗi ngành, lĩnh vực đều có mô hình riêng. Song mạng lưới CTXH mới hình thành ở ngành LĐTBXH là chủ yếu và còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các dịch vụ CTXH mới chỉ cung cấp ở mức cơ bản, đáp ứng cho vấn đề cần, chưa đa dạng. Do vậy, ngoài hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, tỉnh cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển hệ thống dịch vụ CTXH; xây dựng và nhân rộng mô hình trợ giúp xã hội hiệu quả; xây dựng các quy trình phối hợp trợ giúp xã hội giữa các cơ quan, đơn vị… Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông vị trí, vai trò của CTXH nhằm góp phần nâng cao nhận thức về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH của người dân. 

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Trưởng Khoa công tác xã hội, Trường ĐH Lao động xã hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng, muốn phát triển CTXH cần có từng bước lộ trình. Cụ thể, ngoài đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ thì hướng tới đối tượng có nhu cầu. Trong đó phải có định mức về kỹ thuật, khung, biểu giá. Chủ trương cho phép cung cấp dịch vụ ra bên ngoài, nhưng hiện nay chủ yếu chỉ là miễn phí.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.