Sáng 17/7, trong phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, nghị trường tiếp tục “nóng” khi vấn đề thiếu GV được đặt ra.
Đại biểu Bùi Chí Tình đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. Ảnh: QUANG VINH |
Đại biểu Bùi Chí Tình cho rằng, những năm qua, tình trạng thiếu GV luôn là nỗi lo lớn đối với ngành giáo dục nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thế nhưng, năm học 2023 - 2024 có tới 1.609 biên chế trống trong tổng số biên chế được giao của ngành vì lý do thiếu nguồn tuyển. “Có hay không tình trạng dành nguồn GV chưa tuyển cho tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2026? Và giải pháp gì để bảo đảm nguồn nhân lực giáo dục trong thời gian tới?”, đại biểu Bùi Chí Tình chất vấn.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời chất vấn về tình trạng thiếu GV trong thời gian qua. Ảnh: NHẬT LINH |
Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc thực hiện giản biên chế được xem xét thực tiễn cho từng cơ quan, đơn vị trên cơ sở: số biên chế thực hiện tinh giản, số biên chế chưa sử dụng và số biên chế nghỉ hưu từng năm giai đoạn 2022-2025.
Theo nguyên tắc trên, lộ trình tinh giản viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập giai đoạn 2022- 2026 là 1.713 biên chế (trong đó có là 605 biên chế nghỉ hưu). “Việc vừa tuyển đủ biên chế được giao hàng năm, vừa thực hiện tinh giản theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế là không khả thi. Vì thực tế căn cứ vào quy định tại Nghị định này, 8 đối tượng thuộc diện tinh giản trong các cơ sở giáo dục công lập là rất ít hoặc là không có. Đây là vấn đề khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng công chức, viên chức”, bà Châu nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo ngành giáo dục, để vừa thực hiện được lộ trình này, đồng thời bảo đảm đủ GV nhằm thực hiện kế hoạch năm học, hàng năm, khi xây dựng kế hoạch tuyển viên chức, ngành giáo dục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là sắp xếp đội ngũ GV trên địa bàn bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, sắp xếp số lượng HS/lớp bảo đảm theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Sau khi sắp xếp, căn cứ số biên chế thực hiện tinh giản, số biên chế nghỉ hưu, số biên chế trống và kế hoạch thực hiện năm học mới xác định số lượng viên chức tuyển. Bên cạnh đó, ngành còn sắp xếp GV dạy tăng tiết một số bộ môn còn thiếu, đảm bảo không vượt quá quy định về giờ làm thêm của GV.
Bằng các giải pháp trên, ngành giáo dục tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyển viên chức cho năm học 2024 - 2025 là 265 vị trí. Trong đó, MN 50 GV, TH 125 GV, THCS 35 GV, THPT 55 GV.
Ngoài ra, để giải quyết vấn đề phát sinh về nhu cầu tăng viên chức tại một số địa bàn thành phố, khu công nghiệp có số lượng HS cơ học tăng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 về hợp đồng đối với một số loại công việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc thực hiện Nghị định này sẽ bổ sung số lượng hợp đồng và kinh phí để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do Nhà nước bảo đảm số lượng người làm việc được giao thấp hơn với số lượng theo định mức do Bộ GD-ĐT.
Bà Châu cho biết thêm, ngay khi Nghị định này ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai một cách kịp thời. Nhờ đó, HĐND tỉnh đã phê duyệt số lượng hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 4 lĩnh vực GD-ĐT năm học 2023 - 2024 là 265 chỉ tiêu; năm học 2024 - 2025 là 415 chỉ tiêu.
Thời gian tới, ngành sẽ tục triển khai các giải pháp đã, đang thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để bảo đảm đủ GV đáp ứng tốt công tác dạy học cho năm học 2024 - 2025 và các năm tiếp theo. Cụ thể là tổ chức tuyển đủ 265 viên chức theo kế hoạch đã xây dựng. Đồng thời, tổ chức hiệu quả 415 chỉ tiêu hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhóm 4 lĩnh vực GD-ĐT năm học 2023 - 2024.
Toàn ngành cũng sẽ tổ chức thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, rà soát quy định trung bình số HS trên lớp bảo đảm đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế, từ đó giảm áp lực về tình hình biên chế GV. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện quy định phân cấp tuyển dụng nhằm giải quyết tính kịp thời, chủ động trong vấn đề tuyển dụng viên chức.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc chia sẻ với những khó khăn mà ngành giáo dục đang phải đối mặt. Ảnh: PHÚC LƯU |
Chia sẻ với những khó khăn về nhân sự mà ngành giáo dục đang phải đối mặt, bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, tình trạng thiếu GV diễn ra liên tục, triền miên trong thời gian dài là do Luật Giáo dục 2019 đã nâng chuẩn GV TH, MN lên 1 bậc, mà không có giai đoạn chuyển tiếp, trong khi tỉnh không có cơ sở đào tạo ĐH.
Điều này đã dẫn tới ứng viên thiếu chuẩn đầu vào để dự tuyển gây khan hiếm nguồn tuyển. Đơn cử tại huyện Xuyên Mộc, trong 139 biên chế trống có 66 GV, tuyển 3 kỳ liên tục nhưng chỉ tuyển được 23 GV. Theo Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, sau khi tuyển dụng, vấn đề đặt ra là “tay phải tuyển, tay trái chuẩn bị tinh giản”. “Việc tuyển xong rồi giảm là không khả thi. Do đó, huyện đã tự sắp xếp đội ngũ, trường lớp, thực hiện tăng tiết theo quy định… chứ không tuyển thêm số biên chế phải tinh giản”, bà Trang Đài chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ ra sự mâu thuẫn tinh giữa việc ngành nội vụ giao chỉ tiêu tinh giản biên chế GV tới 2026, trong khi ngành giáo dục không chỉ trường lớp tăng, mà còn phải thực hiện chương trình GDPT mới, giảm sĩ số HS, mà tăng buổi học dẫn đến nhu cầu GV tăng.
Ông Mai Ngọc Thuận cho rằng, câu chuyện này rất cần sự chia sẻ. Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị cần hiểu rằng tinh giản biên chế không phải giảm cơ học mà là lộ trình nâng cao chất lượng gắn với xã hội hóa giáo dục.
TP. Vũng Tàu vừa tổ chức xét tuyển viên chức giáo dục. Ảnh: KHÁNH CHI |
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Thanh Phong cho biết, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Để cụ thể hóa Nghị quyết, chủ trương này, trên cơ sở biên chế Trung ương và Tỉnh ủy giao, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tinh giản giai đoạn 2022 - 2026. Tinh thần chung là các địa phương phải giảm 10% biên chế khối sự nghiệp, trong đó có giáo dục và y tế.
Để bảo đảm đội ngũ GV đáp ứng công tác dạy học, trên tinh thần “có HS thì phải có GV đứng lớp”, trong quá trình tinh giản, Bộ Chính trị bổ sung biên chế GV cho các địa phương. Giai đoạn qua đã bổ sung cho tỉnh 625 biên chế.
Giai đoạn 2024 - 2025, UBND tỉnh cũng đã đề nghị tăng biên chế GV 1.001 người so với năm học 2023 - 2024. Trong đó có 874 người thiếu định mức của Bộ GD-ĐT, 127 GV do thành lập trường mới. Song song với đó, UBND tỉnh giao sở ngành, địa phương tự chủ, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp theo tinh thần giảm người làm việc hưởng lương từ ngân sách, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng tự chủ tài chính.
KHÁNH CHI