Làm gì khi trẻ tự giật tóc, ném đồ vật?

Thứ Sáu, 05/07/2024, 15:24 [GMT+7]
In bài này
.

Hội chứng tự giật tóc là một dạng rối loạn kiểm soát xung động. Nó xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, thuộc đủ mọi lứa tuổi nhưng phần lớn là trẻ em từ 3 đến 5 tuổi. Khi mắc phải hội chứng này, trẻ thường xuyên tự mình giật tóc của mình, thậm chí giật cả tóc bạn. Hậu quả là trẻ dễ bị nhiễm trùng nang tóc, tổn thương da đầu, mất thẩm mỹ vì hói.

Thường xuyên tự giật tóc, trẻ sẽ bị mất tóc, hói đầu.
Thường xuyên tự giật tóc, trẻ sẽ bị mất tóc, hói đầu.

Nguyên nhân gây ra hội chứng tự giật tóc có thể do những bất thường trong não, liên quan đến khu vực điều khiển cảm xúc, điều khiển vận động và kiểm soát xung động. Nó cũng có thể do đột biến gien, do lo lắng - nhất là những trẻ lần đầu tiên đi học hoặc lần đầu tiên phải ở một mình trong phòng. Khi ấy việc tự giật tóc giúp trẻ xoa dịu cảm giác âu lo, căng thẳng vì sợ hãi, lâu dài trở thành thói quen. Theo thời gian, tóc mọc thưa hơn, ngắn hơn và thậm chí là không mọc nữa, vùng da đầu bị hói sẽ xuất hiện ở những vị trí bị giật như vùng trán, thái dương và vùng đỉnh đầu. Hầu hết các trẻ bị hội chứng tự giật tóc có kèm theo cắn móng tay, cắn môi, giật lông vật nuôi như chó, mèo, tóc búp bê cùng các vật dụng có hình dạng giống tóc như thảm chùi chân trong nhà, chăn mền…

Phòng ngừa hội chứng tự giật tóc: Gần như không có cách nào để ngăn ngừa hội chứng tự giật tóc bởi nó xảy ra phần lớn ở trẻ tư duy nhận thức chưa phát triển hoàn toàn. Vì thế, ngoài việc bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định thuốc - là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc - dùng trong điều trị các rối loạn tâm lý như trầm cảm và rối loạn ám ảnh cưỡng chế, các bậc phụ huynh cùng các cô bảo mẫu có thể áp dụng những phương pháp sau đây nhằm giúp trẻ từ bỏ thói quen tự giật tóc:

Nếu việc ném đồ vật kéo dài, phụ huynh cần làm cho trẻ hiểu để không hình thành tính cách.
Nếu việc ném đồ vật kéo dài, phụ huynh cần làm cho trẻ hiểu để không hình thành tính cách.

Không quát mắng, la hét hoặc trừng phạt khi thấy trẻ tự giật tóc mà thay vào đó, bảo trẻ nắm chặt hai bàn tay hoặc bảo trẻ nắm giữ đồ vật như quả chanh, trái bóng bàn cho đến khi cơn xung động qua đi, thể hiện bằng việc trẻ tự thả lỏng bàn tay, không còn cắn răng, hai bên quai hàm hết co cứng. Thường xuyên dẫn trẻ đi chơi (mỗi tuần ít nhất 1 lần) ở những nơi trẻ phải tập trung vận động như cầu tuột, nhà banh, công viên nước, tập cho trẻ đi xe đạp 3 bánh nếu trẻ dưới 6 tuổi, luôn cắt tóc ngắn, sát da đầu cho đến khi trẻ bỏ được thói quen giật tóc.

Trẻ thường xuyên ném đồ vật: Là một trong những hành vi hay gặp ở trẻ từ 2 đến 6 tuổi. Đây là điều bình thường vì nó cho thấy sự phát triển của kỹ năng vận động, phối hợp giữa tay và mắt. Tuy nhiên nếu trẻ thường xuyên ném đồ vật, kể cả những thứ có thể gây nguy hiểm như ly tách chén bát, bình cắm hoa, remote điều khiển tivi, điện thoại, cặp sách, bút…, thì đó là vấn đề mà các bậc phụ huynh cần phải quan tâm.

Nguyên nhân trẻ hay ném đồ vật: Phần lớn phát xuất từ việc trẻ muốn khám phá những điều mới mẻ bằng cách quan sát đồ vật từ lúc ném đi đến lúc rơi, thậm chí tiếng động khi rơi cùng sự bể vỡ làm trẻ thích thú, lâu dài trở thành thói quen. Bên cạnh đó, trẻ ném đồ vật còn thể hiện sự muốn được cha mẹ, thầy cô giáo quan tâm, chú ý, sợ bị bỏ rơi hoặc coi việc ném đồ vật là trò chơi mới khi đã chán những trò chơi, đồ chơi cũ, chưa kể nó còn hình thành bởi thói quen bắt chước, thấy anh chị chơi ném bóng nên khi cầm được bóng, trẻ cũng sẽ ném đi.

Việc ném đồ vật nếu thành thói quen, trẻ sẽ phát sinh một số vấn đề về hành vi như trở nên vô kỷ luật, phát triển tính cách hung hăng phá phách và có thể giữ thói quen này cho đến khi trưởng thành.

Để thói quen ném đồ vật không trở thành tính cách, các bậc phụ huynh nên giải thích cho trẻ rằng đồ vật là để sử dụng chứ không phải để ném. Chỉ cho trẻ thấy đồ vật bị hỏng hoặc bể vỡ sau khi trẻ ném, thí dụ như nếu trẻ ném vỡ cái ly uống nước thì sau đó, phụ huynh cho trẻ uống nước bằng chén ăn cơm, đồng thời nói cho trẻ biết tại sao lại như vậy. Dần dà trẻ sẽ hiểu đồ vật ném đi không có lại được. Tìm hiểu kỹ tâm lý của trẻ, lúc nào và cái gì khiến trẻ vui tươi, cái gì khiến trẻ cáu kỉnh, giận dữ, lo lắng hoặc sợ hãi rồi tùy từng trường hợp, phụ huynh theo đó mà xử lý.

Bs CK 1 Tâm thần: LÊ DUY

;
.