KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7)

Ký ức hào hùng về chiến khu Minh Đạm

Thứ Sáu, 19/07/2024, 15:49 [GMT+7]
In bài này
.

Những cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ đã từng chiến đấu tại chiến khu Minh Đạm năm xưa (nay là thành viên Ban Liên lạc chiến khu Minh Đạm) luôn nhớ và tự hào về những năm tháng sống và chiến đấu giành độc lập dân tộc. 

Lão thành cách mạng và lãnh đạo huyện Đất Đỏ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền liệt sĩ  Minh Đạm.
Lão thành cách mạng và lãnh đạo huyện Đất Đỏ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền liệt sĩ Minh Đạm.

Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Trần Tấn Huy, Trưởng Ban Liên lạc Chiến khu Minh Đạm, nguyên Chủ tịch UBND huyện Long Đất, người đã gắn bó, chiến đấu tại Chiến khu Minh Đạm. Ông nhớ lại: Chiến khu Minh Đạm là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng-nơi từng ghi dấu những chiến công chống ngoại xâm hiển hách của Nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây đã có 2.642 anh hùng liệt sĩ, Nhân dân cũng đã ngã xuống trong 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, căn cứ Minh Đạm đã phát triển rộng lớn với nhiều đơn vị quân, dân, đảng hoạt động. Quân địch đã nhiều lần tổ chức các trận càn lớn lên đây, nhằm “xóa sổ” đầu mối chỉ huy cách mạng trong vùng nhưng đều bị đánh bại. Quân dân Long Đất cũng đã tiêu diệt và làm bị thương 1.221 tên địch, phá hủy 61 xe tăng và cơ giới, bắn hạ 10 máy bay trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông Mai Huy Thanh, thành viên Ban Liên lạc Chiến khu Minh Đạm, hiện sinh sống ở tỉnh Bình Phước bày tỏ: “Hàng năm, vào những ngày kỷ niệm của đất nước, lòng chúng tôi bồn chồn khó tả, những kỷ niệm cùng bao ký ức ùa về, đã thôi thúc chúng tôi nhắc nhở nhau cùng về thăm lại chiến trường xưa”. 

“Chiến khu Minh Đạm là nơi mà chúng tôi đã cùng sống, chiến đấu bên nhau, cùng gian khổ, đội bom hứng pháo với bao ác liệt chực chờ, đe dọa đến tính mạng từng ngày, từng giờ. Chúng tôi đã sống bên nhau bằng tình đồng chí, đồng đội cùng chung lý tưởng, thiêng liêng cao quý không gì so sánh được. Cũng từ đó củng cố lòng tin, nung nấu ý chí kiên cường, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược, đã góp phần cùng cả nước làm nên ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn đất nước”, ông Mai Huy Thanh nói.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Chiến khu Minh Đạm được xây dựng, tu bổ thành Khu Di tích lịch sử, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1993. Mỗi năm, nơi đây đón hàng trăm ngàn lượt du khách trên cả nước, quốc tế đến tham quan, khám phá, về nguồn.

Giờ đây, Ban Liên lạc Chiến khu Minh Đạm tổ chức họp mặt “Chiến khu Minh Đạm-Nơi Hội tụ của niềm tự hào cùng nỗi nhớ thương” mỗi năm 1 lần quy tụ gần 400 cán bộ lão thành cách mạng; cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia kháng chiến tại căn cứ Minh Đạm. Đây là dịp để các cán bộ lão thành ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng, anh dũng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giai đoạn 1954-1975. Đặc biệt là những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ cách mạng ở Chiến khu Minh Đạm cho ngày giải phóng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (30/4/1975) và giải phóng huyện Long Đất (27/4/1975), góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Trần Tấn Huy, Trưởng Ban Liên lạc Chiến khu Minh Đạm cho biết, phát huy truyền thống cách mạng năm xưa, trong giai đoạn xây dựng và phát triển, những người đã từng tham gia kháng chiến tại Chiến khu Minh Đạm đã luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Ngoài việc tạo điều kiện cho các thành viên thăm lại chiến trường xưa, Ban Liên lạc còn tổ chức vận động, quyên góp gây quỹ hỗ trợ cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn, đau yếu bệnh tật ổn định cuộc sống tuổi già.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

 
;
.