Không chủ quan với bệnh bạch hầu

Thứ Sáu, 12/07/2024, 16:55 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày gần đây, bệnh bạch hầu đã trở lại và ghi nhận ca mắc và tử vong do bệnh, đặt ra mối lo ngại về khả năng lây lan thành dịch. Đây là lúc chúng ta cần hiểu rõ hơn về căn bệnh này và tầm quan trọng của việc tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tiêm vaccine đầy đủ là cách phòng chống bệnh bạch hầu hữu hiệu.
Tiêm vaccine đầy đủ là cách phòng chống bệnh bạch hầu hữu hiệu.

Tỷ lệ tử vong lên đến 20%

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở da, màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bạch hầu có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6-10 ngày, với tỷ lệ tử vong lên đến 20%.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh thường từ 2-5 ngày, có thể lâu hơn. Thời kỳ lây truyền bệnh thường kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít nhất là trên 4 tuần.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao gồm: trẻ em và người lớn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh; người đi du lịch đến vùng dịch tễ; người sống trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh; trẻ em dưới 15 tuổi chưa có miễn dịch…

Tùy vào vị trí vi khuẩn gây bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau như sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi, mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.

Biến chứng thường gặp nhất ở bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp. Tỷ lệ tử vong của bệnh thường rơi vào khoảng 5%-10% và có thể tăng cao lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10 đến 50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ 2004-2019).

Bệnh bạch hầu đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.

Đã có vaccine, thuốc điều trị và cách phòng bệnh

Bệnh bạch hầu đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vaccine đầy đủ, đúng lịch, để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng sau đó sớm nhất có thể.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong. Cụ thể, tỉnh Hà Giang ghi nhận 3 trường hợp trong các tháng 1, 2 và 4, tại các ổ dịch huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh. Tỉnh Nghệ An ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong tháng 6/2024 tại huyện Kỳ Sơn. Tỉnh Bắc Giang ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh tháng 7/2024 tại huyện Hiệp Hòa, có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong của tỉnh Nghệ An.

Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

NGUYÊN HẢI

;
.