Khi vợ vụng việc nhà

Thứ Sáu, 19/07/2024, 15:46 [GMT+7]
In bài này
.

Câu chuyện chẳng có gì to tát nhất là khi vai trò của người phụ nữ trong gia đình bây giờ đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, nó cũng khiến nhiều gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”.

Những chuyện “dở khóc dở cười”

Được cha mẹ chiều chuộng từ nhỏ nên ngoài việc học ra chẳng bao giờ chị Hoàng Thị Khuyên (TP.Vũng Tàu) chạm tay làm việc nhà. Cho tới khi lấy chồng, chị Khuyên phải đối mặt với một loạt công việc như nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ. Và việc nào cũng khiến chị bối rối. Anh Vũ Hùng, chồng chị Khuyên kể, biết chị không thạo việc nhà nên những ngày đầu về làm dâu anh và mẹ anh vừa động viên vừa chỉ việc cho vợ. Một hôm, chị Khuyên hăm hở nấu một bữa ăn đặc biệt cho gia đình. Kết quả món thì mặn đắng, món bị cháy khét, còn cơm sống khiến cả nhà phải ra ngoài ăn. “Chiên trứng mà cô ấy bắc chảo lên làm nóng, bỏ bột ngọt vào sau đó đập trứng, bỏ dầu ăn. Hay giặt đồ, lại để lẫn quần áo màu với quần áo trắng, khiến cả bộ đồ bị phai màu”, anh Hùng kể.

Trong xã hội hiện đại, công việc nhà không còn là trách nhiệm riêng của phụ nữ. Việc chia sẻ công việc gia đình giữa vợ và chồng đang trở thành một xu hướng phổ biến và được khuyến khích.
Trong xã hội hiện đại, công việc nhà không còn là trách nhiệm riêng của phụ nữ. Việc chia sẻ công việc gia đình giữa vợ và chồng đang trở thành một xu hướng phổ biến và được khuyến khích.

Là người phụ nữ thông minh, giỏi giang làm việc trong một DN lớn. Tuy nhiên, khi về nhà chị Hồng Mai trở nên vụng về và lúng túng với các công việc nội trợ. Chị Mai kể, lần đầu tiên thử nấu món canh chua, kết quả là món ăn quá mặn và tanh khiến cả nhà không ai ăn nổi. Ngay cả làm những món ăn đơn giản như khoai tây chiên, cũng bị cháy đen.

Việc vụng về nội trợ, tưởng chuyện nhỏ nhưng từ một gia đình êm ấm, cuộc hôn nhân của chị Mai đã có lúc “cơm không lành canh không ngọt”. Nguyên nhân là vì không ăn nổi cơm vợ nấu nên hàng ngày sau công việc cơ quan chồng chị Mai hay la cà với bạn nhậu đi sớm về khuya nên dẫn đến những trận tranh cãi giữa 2 vợ chồng.

May mắn là chị Mai nhận ra vấn đề nên đưa ra giải pháp tạm thời là tìm người giúp việc. Đồng thời, chị nhanh chóng lên mạng tìm hiểu và phổ cập các kiến thức nấu ăn, kỹ năng kỹ năng tổ chức đời sống gia đình. Nhờ đó, chỉ một thời gian sau chị đã khá thành thạo trong việc vào bếp.

Nên có cái nhìn hiện đại, chia sẻ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc một người phụ nữ không giỏi việc nhà không nên bị coi là điều tiêu cực. Trong xã hội hiện đại, công việc nhà không còn là trách nhiệm riêng của phụ nữ. Việc chia sẻ công việc gia đình giữa vợ và chồng đang trở thành một xu hướng phổ biến và được khuyến khích.

Anh Nguyễn Hải Tiến (TP.Bà Rịa) cho rằng, quan niệm truyền thống về vai trò của phụ nữ trong gia đình cần được nhìn nhận lại. Việc một người phụ nữ không giỏi việc nhà không nên bị coi là thất bại hay điều tiêu cực. Mỗi người có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, và điều quan trọng là làm sao để mọi người cảm thấy hạnh phúc và thoải mái trong cuộc sống hàng ngày. Việc đánh giá một người phụ nữ qua khả năng làm việc nhà là một quan niệm hạn chế và không công bằng.

“Trong gia đình tôi, khi hiểu vợ không đảm việc bếp núc, việc nhà tôi đã quyết định giúp vợ bằng cách đảm nhận việc nấu ăn và dọn dẹp. Còn vợ tôi tập trung vào những công việc mà cô ấy làm tốt hơn. Sự chia sẻ này giúp cả hai cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn trong cuộc sống hàng ngày”, anh Tiến chia sẻ.

Đồng quan điểm này, nhiều người cho biết, việc nhà không phải chỉ là trách nhiệm của người phụ nữ. Do đó, người chồng cần phải giúp đỡ vợ trong các công việc như nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc con cái. Sự chia sẻ này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho chị người phụ nữ mà còn tạo ra không khí gia đình hòa thuận và gắn kết hơn.

Câu chuyện về người vợ vụng về việc nhà không chỉ phản ánh một thực tế đời thường mà còn là một lời nhắc nhở về việc thay đổi quan niệm và thái độ đối với vai trò của phụ nữ trong gia đình. Trong xã hội hiện đại, việc chia sẻ công việc gia đình, hỗ trợ lẫn nhau là chìa khóa để tạo nên một gia đình hạnh phúc và bền vững. Thay vì chỉ trích, chúng ta nên thấu hiểu và cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất để mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và thoải mái trong cuộc sống.

Bài, ảnh: AN NHẬT

;
.