Giữ hạnh phúc từ bữa cơm gia đình

Thứ Sáu, 12/07/2024, 16:50 [GMT+7]
In bài này
.

Bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chính là nơi gắn kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Nơi “kết tinh và chứa đựng” hạnh phúc gia đình tưởng cao xa nhưng lại giản dị đến mức chúng ta không nhận ra đó là nằm ở ngay những bữa cơm gia đình.
Nơi “kết tinh và chứa đựng” hạnh phúc gia đình tưởng cao xa nhưng lại giản dị đến mức chúng ta không nhận ra đó là nằm ở ngay những bữa cơm gia đình.

Có gia đình vẫn "cơm hàng, cháo chợ"

Sáng nào cũng vậy, cứ 6h30, cả nhà anh Tuấn, chị Thảo (chung cư Bình An, TP.Vũng Tàu) cùng lao ra đường. 2 con tự đạp xe đi học, còn anh chị đến sở làm, mỗi người tự ăn sáng trên đường. Buổi trưa, con gái (lớp 9) mua cơm hộp về nhà ăn và con trai (lớp 4) ăn bán trú ở trường, còn anh chị ra quán gần chỗ làm.

Buổi chiều, các con cũng tự kiếm gì ăn rồi đến lớp học thêm hoặc tự học bài ở nhà. Còn anh chị lại ăn quán rồi tăng ca hoặc tụ tập với bạn bè cho đến 8h, thậm chí là 9h tối mới về đến nhà, sau đó việc ai nấy làm. Nếu đói, có sẵn mì gói trong nhà.

Ngày thường đã thế, dịp cuối tuần cũng không mấy khả quan khi chị Thảo luôn than phiền mệt mỏi, cả nhà lại kéo nhau ra hàng cơm đầu hẻm, mỗi người một đĩa hoặc gọi đồ ăn về nhà. Số lượng các bữa ăn bên ngoài ngày càng tăng, gian bếp lạnh ngắt, tình cảm vợ chồng cũng từ đó mà mong manh, dễ vỡ hơn.

Không riêng gì gia đình chị Thảo, do vòng xoáy của cơ chế thị trường, cuộc sống bận rộn, nhu cầu công việc đòi hỏi người ta rất cần thời gian để giải quyết. Thêm vào đó, với “cơ chế thoáng” dịch vụ cơm hộp đều rất sẵn, mọi người có thể lo cho cái dạ dày bằng nhiều cách “đa dạng, tiện lợi”. Do đó, những bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên trong nhà thường trở nên hiếm hoi.

Thực tế có những gia đình hơn 1 tháng chưa có bữa ăn nào đầy đủ các thành viên. Bữa thì chồng bận họp, bữa thì vợ đi công tác, tình trạng “cơm hàng cháo chợ” đã và đang lấn át bữa cơm gia đình, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Mối quan hệ gắn kết gia đình lỏng lẻo dần.

Bữa cơm đơn giản mà đầm ấm

Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc, là điểm tựa vững chắc và là chốn về ấm áp, bình yên của mỗi người. Vì thế, nơi "kết tinh và chứa đựng" hạnh phúc gia đình tưởng cao xa nhưng lại giản dị đến mức chúng ta không nhận ra đó là nằm ở ngay những bữa cơm gia đình. 

Theo chị Hồng Minh (phường 7, TP.Vũng Tàu), bữa ăn gia đình không cần phải cầu kỳ, nhiều món mà chỉ cần những món ăn đơn giản, phù hợp với sở thích của các thành viên trong gia đình.

"Các bé nhà tôi rất thích ăn trứng nên tôi thường làm các món trứng chiên, trứng kho thịt, ốp la... và các món canh rau cải, rau ngót, bí đỏ nấu với thịt bằm, hay canh chua. Các món ăn khá đơn giản và làm nhanh, phù hợp với công việc bận rộn của vợ chồng tôi. Tôi cũng phân công công việc cho các con và chồng tôi, mỗi người mỗi tay cùng phụ giúp chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp, rửa chén. Nhờ thế, bữa cơm gia đình tôi không chỉ đầm ấm, sum vầy mà các thành viên trong gia đình còn chia sẻ và hỗ trợ cho nhau", chị Minh chia sẻ.

Từ quan điểm của vợ chồng chị Minh, các gia đình hiện đại không cần phải đặt nặng phải có nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, san sẻ công việc nội trợ. Nếu không có năng khiếu nấu nướng, người phụ nữ tùy điều kiện chỉ cần làm những bữa ăn đơn giản, miễn sao được cùng nhau thưởng thức món ăn, chuyện trò vui vẻ và chia sẻ với nhau nhiều điều. 

Một điều quan trọng nữa là việc xây nhà, xây tổ ấm thời nay đều phải do cả hai phía đảm đương. Cụ thể, bữa cơm gia đình cần phải có sự hỗ trợ, giúp sức của người chồng. Đơn giản như thấy vợ vào bếp vo gạo, chồng tự giác nhặt rau, rửa chén, trong lúc vợ nấu ăn, chồng giúp vợ lau nhà, giặt quần áo... Có như vậy gian bếp mới bớt đi những giọt mồ hôi nhọc nhằn của người phụ nữ, những áp lực căng thẳng của cuộc mưu sinh cũng từ đó tiêu tan, nhường chỗ cho những bữa ăn ấm áp tình yêu thương được dọn ra.

THẢO NGUYÊN

 
;
.