Trao sinh kế giúp người khó khăn vươn lên
Tìm hiểu kỹ điều kiện và nhu cầu của người dân, lựa chọn sinh kế phù hợp để trao, UBMTTQ Việt Nam các cấp huyện Châu Đức đã giúp các hộ đặc biệt khó khăn vươn lên, dần ổn định, thoát nghèo bền vững.
Không chỉ hỗ trợ cây tre giống cho bà Lan, cán bộ MTTQ xã Láng Lớn còn thường xuyên tới thăm, tư vấn cách trồng và hỗ trợ giúp bà bao tiêu đầu ra khi cây tre có măng. |
Các mô hình thiết thực
Vợ chồng bà Đặng Thị Lan (thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) có 4 người con. Trước đây, ông bà cùng đi làm thuê, lúc rảnh rỗi còn chăm mấy con dê, con bò nên cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Nhiều năm trước, biến cố ập đến khi bà bị bệnh dẫn đến mù 1 mắt, mắt còn lại thị lực cũng giảm sút. Chồng bà thì mắc bệnh nan y qua đời, cô con gái cũng bị tai nạn khiến đôi mắt không còn thấy rõ. Toàn bộ gia súc, tài sản có giá trị phải đem bán để lo thuốc men, khiến gia cảnh trở nên khó khăn.
Tháng 6/2024, UBMTTQ Việt Nam xã Láng Lớn đã trích 3 triệu đồng từ nguồn vận động, mua tặng bà Lan 120 cây tre tứ quý trồng lấy măng. Gia đình bà có 5 sào đất, gần suối, lại sẵn 40 gốc tre trồng từ năm ngoái, đang cho măng, nên bà có kinh nghiệm trồng tre. “Tôi mừng lắm. Những gốc tre trồng từ năm ngoái đã ra măng và được tiêu thụ hết. Giờ trồng thêm 120 gốc, năm sau là có măng để bán, gia đình tôi sẽ đỡ vất vả”, bà Lan nói.
Theo bà Nguyễn Thái Huỳnh Ngân, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Láng Lớn, việc tặng tre giống phù hợp với nhu cầu, sức khỏe, điều kiện của gia đình bà Lan. Bên cạnh đó, xã cũng rà soát, hỗ trợ kịp thời các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, giúp họ vươn lên. Từ năm 2023 đến nay, xã đã hỗ trợ 17 hộ với tổng số tiền 229 triệu đồng.
Tại các địa phương khác, mô hình trao sinh kế cũng được phát huy. MTTQ xã, thị trấn chủ động phối hợp các ban ấp khảo sát thực tế từng gia đình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có hướng hỗ trợ phù hợp.
Chị Nguyễn Thị Tú Anh (thôn Chòi Đồng, xã Cù Bị) là một trường hợp như vậy. Chồng bỏ đi, chị Tú Anh làm mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ. Cuộc sống khó khăn do gia đình ít đất sản xuất lại không có vốn. Chị mở tiệm may, sửa quần áo tại nhà nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Đầu năm 2023, gia đình chị Tú Anh được MTTQ xã hỗ trợ 15 triệu đồng và 140m vải. “Có tiền, tôi dùng sửa sang máy móc, mua thêm dụng cụ, còn vải thì dùng để may quần áo bán cho khách, tích góp thêm vốn làm ăn”, chị Tú Anh chia sẻ.
Chăm chỉ, lại có tay nghề, giá cả hợp lý nên bà con trong thôn ngày càng tin tưởng, tìm đến chị Tú Anh đặt may quần áo. Nhờ đó, mỗi ngày chị Tú Anh có thu nhập khá. Kinh tế ổn định, không chỉ may đồ theo đơn đặt hàng của khách, chị Tú Anh còn thường xuyên may áo tặng những hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, khuyết tật trên địa bàn, như một cách để tri ân với sự giúp đỡ kịp thời của MTTQ xã và nhà hảo tâm đối với mình.
Năm 2023, mặt trận các cấp huyện Châu Đức phối hợp, vận động tặng hàng ngàn suất quà, học bổng hỗ trợ đột xuất và trao vốn cho 89 hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng. |
Nhân rộng mô hình hay
Những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp huyện Châu Đức và các tổ chức thành viên đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành đoàn thể, phát huy hiệu quả sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, góp phần hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân thoát nghèo trong năm 2023.
Theo khảo sát, đa số các hộ trẻ tuổi, có đất rộng mong muốn được hỗ trợ con giống, vật nuôi. Những người lớn tuổi, sức khỏe kém, hoặc người không có đất sản xuất thì mong muốn được hỗ trợ vốn để buôn bán nhỏ, như vé số, xe nước mía, xe bánh mì. Có thể kể đến mộ số mô hình tiêu biểu, như: Nhân đôi con giống (xã Suối Nghệ), Mét vải yêu thương (xã Cù Bị)...
“Là huyện thuần nông, đời sống bà con còn nhiều khó khăn. MTTQ các cấp luôn lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nhu cầu của người dân trước khi hỗ trợ. Từ những con bò giống, dê giống ban đầu được hỗ trợ, nhiều hộ phát triển thành đàn dê, đàn bò, kinh tế gia đình vững vàng. UBMTTQ Việt Nam huyện đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục vận động các nguồn lực, đồng thời khảo sát, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, có hiệu quả trao sinh kế giúp bà con có thu nhập ổn định”, ông Nguyễn Đức, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Đức nhấn mạnh.
Với những cách làm hay, phù hợp điều kiện của địa phương, cũng như nguyện vọng của những gia đình khó khăn, MTTQ Việt Nam các cấp huyện Châu Đức đã phát huy vai trò cầu nối, đưa chủ trương, chính sách về giảm nghèo của địa phương đi vào thực tiễn.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH