Thành phố Vũng Tàu: Cần nghị quyết xứng tầm để phát triển đột phá

Chủ Nhật, 30/06/2024, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Với vai trò điểm nhấn đặc biệt quan trọng, tác động mạnh đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ, TP.Vũng Tàu cần một nghị quyết xứng tầm để phát triển đột phá trong thời gian tới.

Một góc đường Thống Nhất (nối dài) tại TP.Vũng Tàu.
Một góc đường Thống Nhất (nối dài) tại TP.Vũng Tàu.

Nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội

Theo ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, sau hơn 30 năm kể từ khi được thành lập, trong đó, có 21 năm đầu với vai trò là trung tâm hành chính - chính trị - kinh tế xã hội của tỉnh và hơn 10 năm trở lại đây với vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, TP.Vũng Tàu đã không ngừng phát triển về mọi mặt để xứng đáng với vai trò, vị trí đó.

Đặc biệt, từ năm 2009, thành phố tập trung thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội TP.Vũng Tàu đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện Nghị quyết, kinh tế của thành phố tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Cơ cấu các ngành kinh tế dịch chuyển đúng hướng, với kinh tế dịch vụ đóng vai trò chủ đạo.

Trong đó, dịch vụ du lịch có bước đột phá về cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh tại các điểm du lịch, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. TP.Vũng Tàu 3 lần liên tiếp được Hiệp hội du lịch các quốc gia Đông Nam Á vinh danh “Thành phố du lịch sạch ASEAN”.

Công tác giảm nghèo luôn được thành phố quan tâm thực hiện chu đáo và đạt kết quả tốt. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh của Vũng Tàu là 0,56%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 08 đề ra là 1,3%. Năm 2020, tỷ lệ này giảm xuống còn 0,24%, vượt xa chỉ tiêu Nghị quyết 08 đề ra là 1%. Hiện thành phố còn 130 hộ nghèo, chiếm 0,13%.

TP.Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2013, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết 08 đặt ra là vào năm 2015. Diện mạo đô thị không ngừng được cải thiện, được du khách đánh giá cao. Hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, mang dáng vẻ đô thị hiện đại. Chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được cải thiện về vật chất và tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao.

Phát triển kinh tế, mở rộng không gian đô thị

Tuy nhiên, thành phố vẫn tồn tại không ít những hạn chế trong tiến trình phát triển. Dịch vụ du lịch phát triển đơn điệu và chậm, thiếu sức hút. Công tác quản lý đô thị còn gặp nhiều trở ngại, còn tình trạng xây dựng không phép, trái phép, phá vỡ quy hoạch, sử dụng đất lãng phí, sai mục đích. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ còn diễn ra. Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đáng quan ngại.

Tương lai, TP.Vũng Tàu vẫn là điểm nhấn đặc biệt quan trọng, đóng vai trò xúc tác mạnh đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị, Vũng Tàu được định hướng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Trước yêu cầu phát triển trong những năm tới, Tỉnh ủy đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh TP.Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu, thành phố tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - hải sản. Trong đó, từ nay đến 2045, dịch chuyển giảm dần tỷ trọng ngành hải sản, tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp. Trong đó, tập trung thúc đẩy dịch vụ du lịch và thương mại, xác định dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghị quyết cũng đặt mục tiêu thúc đẩy phát triển không gian đô thị và hạ tầng giao thông, tăng cường quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng và bảo vệ môi trường. Thành phố tập trung phát triển và mở rộng không gian đô thị về hướng Đông Bắc. Hoàn thành và đưa vào sử dụng trung tâm hành chính - chính trị thành phố tại phường 11 vào năm 2030. Đầu tư xây dựng một số công trình theo tiêu chí đô thị loại I, hoàn thành công trình nhà tang lễ, quảng trường trước năm 2030...

Vừa qua, Đảng bộ TP.Vũng Tàu tổ chức hội nghị thảo luận, góp ý dự thảo Nghị quyết này với nhiều góp ý, đề xuất ý tưởng. Bà Lê Thị Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vũng Tàu, cho rằng, thành phố cần khai thác tuyến ven biển, đoạn từ Bãi Sau đến Cửa Lấp, với chiều dài hơn 15km để tạo mặt tiền khang trang hơn, hình thành các chuỗi lưu trú, nghỉ dưỡng, giải trí xứng tầm để phát triển du lịch. Đồng thời, giữ gìn, quảng bá và phát triển các sản phẩm địa phương như nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta để phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm và mua sắm.

Dự thảo Nghị quyết đặt mục tiêu, thành phố phấn đấu đưa tỷ trọng các ngành kinh tế dịch chuyển trong từng giai đoạn, như dịch vụ, từ 74,31% (2030), tăng lên 75,38% (2045), tương đương với giá trị sản xuất từ 34.000 tỷ đồng tăng lên 69.800 tỷ đồng. Công nghiệp từ 19% (2030) tăng lên 21,92% (2045), tương đương với giá trị sản xuất 8.720 tỷ đồng tăng lên 20.300 tỷ đồng. Ngành hải sản chiếm tỷ trọng 6,69% (năm 2030), giảm còn 2,7% vào năm 2045.

Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho rằng, thời điểm này là giai đoạn bùng nổ của khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) tác động đến đời sống xã hội, đời sống người dân rất lớn. Thành phố cũng định hướng đào tạo, phát triển ngành nghề phù hợp để có nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới. Đặc biệt là tương lai, khi Vũng Tàu là thành phố du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, thành phố cần chuẩn bị nhân lực chất lượng phục vụ du lịch.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến như: Đưa vào dự thảo Nghị quyết định hướng toàn bộ doanh nghiệp, người dân cùng vào cuộc để cùng chính quyền thành phố xây dựng Vũng Tàu đạt đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, cần đưa nội dung đầu tư tại Bãi Trước cảng cầu khách quốc tế xứng tầm để thu hút khách cao cấp quốc tế; đầu tư KDL phức hợp tại phường 12, với khoảng 400ha...

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.