Tay bị run khi cầm nắm có phải là bệnh?

Thứ Sáu, 07/06/2024, 15:48 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi 45 tuổi, làm nghề lái xe. Gần đây hai tay tôi bị run, nhất là khi cầm nắm một vật gì đó nhưng không tê, không đau nhức. Xin bác sĩ cho biết đó có phải là bệnh và nên chữa trị như thế nào?

(npg@gmail.com)

Trả lời: Run tay không đe doạ đến sức khỏe ngay lập tức nhưng có thể làm giảm chất lượng sống, phát xuất từ một số bệnh lý khác nhau nên cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Các nguyên nhân gây run tay bao gồm bệnh Wilson, xảy ra khi gien bị rối loạn khiến chất đồng lắng đọng nhiều trong cơ thể. Nó thường đi kèm với các hiện tượng như mệt mỏi, nôn, buồn nôn, có dịch trong ổ bụng, vàng da. Ngoài ra còn có bệnh cường giáp, tuyến giáp hoạt động quá mức khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn, lo lắng, hay vã mồ hôi, run tay, tim đập nhanh, sụt cân. Run tay liên tục, kéo dài còn có thể do bệnh Parkinson, thường bắt đầu run từ một bên, kèm theo cảm giác cứng chân tay cùng bên, sau đó lan sang cả hai tay.

Run tay còn bởi mắc phải bệnh xơ cứng rải rác. Tình trạng run có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên. Người bệnh có thể bị run khi làm động tác có chủ ý hoặc trong lúc giơ tay để giữ thăng bằng hoặc cầm nắm.

Ngoài ra còn do đột quỵ, mạch máu não bị tắc nghẽn vì huyết khối gây nhồi máu não, do chấn thương sọ não, mạch máu bị vỡ dẫn đến tình trạng chảy máu não. 

Khi đã bị run tay liên tục và kéo dài, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu nhằm đánh giá tình trạng rối loạn điện giải, chụp CT, MRI sọ não để phát hiện những bất thường ở não như viêm màng não hoặc đa xơ cứng, làm điện não đồ để nhận biết những dấu hiệu của chứng rối loạn co giật tiềm ẩn, đo điện cơ  giúp đánh giá tình trạng thần kinh cơ… Sau đó căn cứ vào kết quả, bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp bằng thuốc kết hợp vật lý trị liệu.

Để phòng ngừa những tai nạn và thiệt hại xảy ra khi run tay, hạn chế cầm những vật mỏng manh, dễ vỡ, những vật nóng như tô canh mới nấu, ly nước sôi, hạn chế làm những việc cần đến sự tỉ mỉ như hàn điện, hàn gió đá, sửa chữa máy móc, đồng hồ, thêu đan… Nếu lái xe (xe đạp, xe hơi, xe gắn máy) mà chứng run tay hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc điều khiển phương tiện thì có thể tiếp tục nhưng nếu nhận thấy có hiện tượng chậm chạp trong việc bẻ lái, rẽ đường, giữ thăng bằng thì nên tạm ngừng cho đến khi bệnh đã được chữa khỏi…

Bs Trần Văn Phương

;
.