Hỏi: Cháu 24 tuổi, công việc hàng ngày là thợ may. Khoảng nửa năm trở lại đây trong lòng 2 bàn tay cháu nổi lên nhiều cục chai. Xin bác sĩ cho biết vì sao lại bị và cách chữa trị…
(ductu@gmail...)
Hầu hết các vết chai xuất hiện trong lòng bàn tay do thường xuyên cầm nắm đồ vật. |
Trả lời: Chai lòng bàn tay là da tại một số nơi trên lòng bàn tay bị hóa sừng, hầu hết ở đoạn tiếp giáp giữa bàn tay và ngón tay, nguyên nhân do lớp thượng bì sinh sản quá mức, biểu hiện bằng những khối da hình tròn hoặc bầu dục, màu vàng, ngà, đường kính khoảng 2 đến 4mm, sờ vào thấy cứng.
Vết chai xuất hiện khi bàn tay liên tục tiếp xúc và cọ sát với những vật dụng hàng ngày, thí dụ như khi đi xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, lòng bàn tay phải giữ và điều khiển tay lái. Bên cạnh đó, chai cũng xuất hiện ở nghề thợ may, thợ gò hàn, thợ mộc cùng một số ngành nghề khác vì thường xuyên phải cầm kéo, búa, cưa, khoan, đục, bút viết, cuốc xẻng…
Bình thường chai không ngứa, không đau, không ảnh hưởng đến việc cầm nắm nhưng nếu chỗ chai bị nhiễm trùng do cắt bỏ bằng lưỡi lam hoặc dùng móng tay xé lớp chai hoặc do thương tích, nó sẽ hình thành tổ chức viêm, có mủ, gây đau.
Để loại bỏ những vết chai trên lòng bàn tay, bạn có thể áp dụng những cách đơn giản như: Mỗi ngày ngâm tay vào nước ấm pha muối 10 phút (pha theo tỉ lệ 1 lít nước với 1 muỗng canh muối), ngâm 2 lần sáng, tối, hoặc bôi nước vắt từ quả chanh lên những vết chai, để yên trong 15 phút rồi rửa sạch hoặc xay nhuyễn trái đu đủ xanh, vắt lấy nước bôi lên những chỗ chai cũng khoảng 15 phút.
Sau từ 1 đến 2 tuần, những vết chai sẽ mềm đi rồi bong tróc (nên để cho nó tự bong tróc qua những lần rửa tay, tắm…), lớp da mới sẽ xuất hiện. Lúc này, bạn cần bôi thêm các loại kem dưỡng da có vaselin hay lanolin để nuôi dưỡng vùng da mới, giảm thiểu nguy cơ tái phát.
Nếu vì công việc mà bạn không thể không sử dụng các đồ vật như dao, kéo hoặc đi xe đạp, xe gắn máy, bạn nên bôi kem dưỡng ẩm da hàng ngày, đồng thời cứ sau khoảng 1 tiếng làm việc, bạn nên ngừng tay chừng 5 phút rồi xoa hai lòng bàn tay vào nhau theo hình tròn để máu lưu thông đều. Không cắt chỗ chai bằng lưỡi lam, kéo hoặc lấy móng tay bóc lớp chai vì ngoài nguy cơ nhiễm trùng, nó sẽ kích thích tế bào thượng bì gia tăng sinh sản, vết chai sẽ lớn hơn và dày hơn…
ThS, Bs CKI Da liễu: NGUYỄN VĂN ÚT