Làm gì khi trẻ cắn móng tay, nuốt chửng chứ không nhai?

Thứ Sáu, 28/06/2024, 15:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong cuộc sống, chắc hẳn đã không ít lần các bậc phụ huynh nhìn thấy con em mình, phần lớn từ 3 đến 5 tuổi, có những hành vi kỳ lạ, bất thường, lập đi lập lại như cắn móng tay, mút ngón tay, giật tóc mình hoặc người khác, nuốt thức ăn chứ không nhai, thích ném đồ vật, hung hăng vô cớ, hay đánh các bạn khác…

Thường xuyên cắt móng tay là một trong những cách khiến trẻ bỏ thói quen cắn móng.
Thường xuyên cắt móng tay là một trong những cách khiến trẻ bỏ thói quen cắn móng.

Vì sao trẻ lại có những hành vi kỳ lạ, bất thường ấy và các bậc phụ huynh nên xử lý như thế nào?

Trẻ cắn móng tay, mút ngón tay

Là hình thức phổ biến nhất trong các thói quen thần kinh mà nguyên nhân phát xuất từ việc bắt chước bạn trong lớp, căng thẳng khi bị cô bảo mẫu phạt, ngứa lợi khi răng bắt đầu phát triển, cắn không chủ ý, thí dụ như đang coi tivi, cắn do bối rối vì không thuộc bài hoặc bị trách mắng...

Việc thường xuyên cắn móng tay của trẻ không nguy hiểm vì nếu đau, trẻ sẽ tự dừng lại nhưng nó có thể dẫn đến nhiễm trùng răng miệng nếu ngón tay trẻ bẩn, nhiễm trùng đầu ngón tay, khoé móng tay, móng tay phát triển không đồng đều.

Riêng với mút ngón tay, nguyên nhân chính do trẻ được cho ngậm núm vú khi đã trên 2 tuổi, lâu dài hình thành thói quen. Trẻ mút ngón tay ngoài việc nhiễm trùng răng miệng thì còn có thể bị hô vì răng hàm trên có khuynh hướng nhô ra phía trước khi trẻ mút.

Bên cạnh đó, trẻ mút ngón tay còn có thể nhiễm ký sinh trùng đường ruột (giun đũa, giun kim…) nếu trẻ nghịch đất, cát có trứng giun. Khi những con giun này di chuyển, nó sẽ khiến dạ dày, ruột co thắt và theo phản xạ thần kinh, trẻ lại mút ngón tay, nuốt nước miếng để giảm cơn nhu động dù trẻ không hề ý thức về việc này.

Vì thế, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ có hành vi cắn móng tay, mút ngón tay nhưng không quát nạt, la hét hoặc nghiêm khắc cấm đoán bởi có thể dẫn đến chứng trầm cảm vì rằng giống như các thói quen thần kinh khác, trẻ cắn móng tay, mút ngón tay thường do vô thức. Việc cấm đoán một cách cực đoan sẽ biến vô thức thành ý thức. Khi ấy trẻ sẽ lén lút cắn móng tay, mút ngón tay nếu không có mặt phụ huynh.

Để chấm dứt trẻ cắn móng tay, mút ngón tay, các bậc phụ huynh ở nhà hoặc các cô bảo mẫu ở trường có thể áp dụng những phương pháp đơn giản như cho trẻ chơi những trò chơi có tính sáng tạo và suy nghĩ, chẳng hạn như tô màu hình vẽ, nặn tượng đất sét, lắp ráp những khối Lego, gấp giấy thành những vật đơn giản như con thuyền, máy bay…, thì dần dà, trẻ sẽ bỏ được thói quen cắn, mút.

Nếu có những lúc trẻ quên rồi theo phản xạ hoặc bắt chước các bạn khác, trẻ lại đưa ngón tay vào miệng thì chỉ cần vỗ nhẹ vào tay trẻ, trẻ sẽ tự động dừng lại. Tập cho trẻ thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, tuyệt đối không dùng những biện pháp như bôi nước chanh hoặc bôi những thứ có vị đắng vào ngón tay khiến trẻ sợ hãi, cắt móng tay cho trẻ thường xuyên vì đa số trường hợp, trẻ cắn mà không có móng sẽ bớt hứng thú, xổ giun cho trẻ theo định kỳ.

Trẻ nuốt thức ăn chứ không nhai

Nhai thức ăn là một quy trình phức tạp mà trẻ bắt đầu thực hiện từ 6 tháng tuổi, bao gồm một chuỗi vận động của cơ hàm và lưỡi. Lúc này, trẻ nhai do phản xạ thần kinh chứ chưa phải là do ý thức.

Thoạt đầu, trẻ tập nhai bằng cách dùng lưỡi và vòm hàm trên để nghiền thức ăn dù chỉ là dạng bột nhão, sau đó dùng lưỡi đưa thức ăn sang 2 bên phải, trái rồi dùng lợi để cắn. Đến tháng thứ 9 hoặc 1 năm tùy theo từng trẻ, trẻ đã ý thức mơ hồ rằng khi ăn thì cần phải nhai dù có thể trẻ vẫn được cho ăn bằng thức ăn loãng, nhuyễn.

Tuy nhiên, khi trẻ đã hơn 1 tuổi mà các bậc phụ huynh vẫn chưa cho trẻ ăn dặm thì các kỹ năng nhai sẽ không phát triển thêm, dẫn đến hiện tượng thoạt đầu trẻ vẫn nhai rồi mới nuốt. Sau đó, trẻ chỉ nhai trệu trạo và cuối cùng, khoảng từ 16 tháng tuổi trở lên, trẻ nuốt khi vừa đưa thức ăn vào miệng chứ không nhai.

Bên cạnh đó, vì bận viêc, muốn trẻ ăn nhanh nên trẻ chưa kịp nhai xong thìa thức ăn này thì phụ huynh đã đút cho trẻ thìa khác nên trẻ phải nuốt, hoặc thức ăn cho trẻ không thay đổi trong nhiều bữa khiến trẻ chán, đưa vào miệng là nuốt ngay, hoặc mỗi bữa ăn trẻ bị phụ huynh ép phải ăn cho bằng hết.

Tác hại của việc trẻ chỉ nuốt chứ không nhai

Trẻ ăn không nhai là hậu quả của quá trình ăn lỏng và nhuyễn quá lâu khiến trẻ trở nên thụ động. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến trẻ khó thích nghi với việc ăn cơm và các loại thức ăn đặc khiến trẻ chậm tăng cân. Ngoài ra, dạ dày của trẻ do một thời gian dài ít co bóp vì không phải tiêu hoá thức ăn cứng, nhất là thời điểm trẻ từ 5 tuổi trở lên, sẽ dễ xảy ra tình trạng rối loạn tăng tiết dịch vị khiến trẻ khó tiêu, thậm chí nôn ói ngay khi vừa ăn xong.

Vì thế, với trẻ chỉ nuốt mà không nhai, phụ huynh nên kiên nhẫn tập dần từng bước bằng cách trước khi cho trẻ ăn, phụ huynh làm động tác nhai cho trẻ nhìn thấy để bắt chước. Trộn lẫn 1 phần thức ăn đặc với thức ăn nhão để trẻ quen nhai cho đến khi thay thế hoàn toàn bằng thức ăn đặc.

Thay đổi thực đơn hàng ngày để trẻ khỏi ngán, cho trẻ ăn chung với gia đình để tạo sự vui thích. Giữ khoảng cách thích hợp, ít nhất là 4 tiếng đồng hồ giữa các bữa ăn nhằm tạo cho trẻ sự thèm ăn…

Bs CK I Tâm thần: LÊ DUY

 
;
.