Ngày 5/6, gần 16 ngàn thí sinh trên địa bàn tỉnh đã làm thủ tục dự thi và hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, môn thi đầu tiên của Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025. Ngày thi đầu tiên diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) phấn khởi ra về sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh: NGỌC BÍCH |
Công tác tổ chức thi nghiêm túc, chu đáo
Trong buổi sáng, thời tiết thuận lợi, mát mẻ. Khoảng 16 ngàn thí sinh đã có mặt để làm thủ tục dự thi, học tập quy chế thi. Các Hội đồng thi phổ biến, quán triệt kỹ lưỡng quy chế thi tới toàn bộ đội ngũ làm công tác thi, kiểm tra lại hồ sơ liên quan tới kỳ thi...
Ông Đoàn Vũ Công Hoài, Trưởng điểm thi THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) cho biết, điểm thi có 320 thí sinh đăng ký dự thi/14 phòng thi, 50 cán bộ coi thi. 100% thí sinh đã có mặt tại điểm thi. Để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, trường đã tổ chức quán triệt các quy định, quy chế, trang phục… cho cán bộ coi thi và cho cán bộ ký cam kết không vi phạm quy định kỳ thi. Trường cũng chuẩn bị 2 phòng thi dự phòng để kịp thời linh động khi có trường hợp thí sinh đặc biệt. Mọi điều kiện để tổ chức kỳ thi đều được chuẩn bị sẵn sàng, giúp thí sinh có tâm lý thoải mái, vững vàng, hoàn thành bài thi để đạt kết quả tốt nhất.
Em Phạm Thùy Trâm, HS Trường THCS Võ Trường Toản (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chia sẻ, với thành tích là HS giỏi nhất khối, các lần thi thử đều đạt trên 39 điểm, em tự tin đậu NV1 vào Trường THPT Nguyễn Du. Không chỉ vậy, Thùy Trâm còn đặt mục tiêu đạt 40 điểm trở lên để vào top 10 HS có điểm đầu vào cao nhất tại Trường THPT Nguyễn Du. “Em đã luôn nỗ lực trong suốt 4 năm học. Đây là lúc để em thể hiện hết khả năng của mình. Em đã sẵn sàng để vượt qua kỳ thi”, Thùy Trâm tự tin nói.
Kỳ thi năm nay, Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.Vũng Tàu) là điểm thi dẫn đầu toàn tỉnh cả về số lượng thí sinh, số phòng thi với 1.177 thí sinh và 51 phòng thi. Tuy có nhiều áp lực nhưng công tác tổ chức thi tại đây đã được thực hiện chỉn chu, bài bản. Điểm thi này được bổ sung thêm 1 thư ký để làm công tác thi. Tại cổng trường, hội đồng thi đã bố trí khu vực đậu xe có mái che, nước uống… để tránh nắng nóng cho phụ huynh trong thời gian chờ đợi. Đoàn trường còn huy động 10 tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh, phụ huynh. Đồng thời, chuẩn bị sẵn một số đồ dùng học tập để hỗ trợ thí sinh khi cần thiết. Lực lượng công an cũng được huy động, phối hợp nhịp nhàng để bảo đảm an ninh, trật tự tại điểm thi.
Chị Phạm Thị Phượng, phụ huynh em Lê Phương Anh, HS Trường THCS Võ Trường Toản (TP.Vũng Tàu) cho hay, dù con gái đăng ký dự thi vào trường có tỷ lệ chọi cao nhất tỉnh, nhưng tâm lý của cả gia đình hết sức thoải mái. Hai tháng trước kỳ thi, ngoài việc cho con học phụ đạo ở trường, chị còn thuê gia sư dạy kèm cho con các môn thi. Chị Phương chia sẻ: “Tôi mong muốn con chuẩn bị kiến thức kỹ càng, bước vào kỳ thi với tâm lý thoải mái nhất và cố gắng hết mình. Nếu không đậu vào công lập, con vẫn có thể tiếp tục học tại các trường ngoài công lập hoặc theo học nghề”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) vui mừng sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. |
Đề thi Ngữ văn vừa sức
Chiều cùng ngày, các sĩ tử chinh phục môn thi đầu tiên: môn Ngữ văn. Bước ra khỏi phòng thi, nhiều sĩ tử thở phào nhẹ nhõm vì đề thi tương đối vừa sức. “Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt đề thi Ngữ văn là vẻ đẹp của người lao động, vai trò của lao động trong cuộc sống con người.
Đề thi bám sát với ma trận đề của Sở GD-ĐT đưa ra. Các câu hỏi có nội dung gần gũi với cuộc sống, nhất là vấn đề người lao động. Đề thi có sự phân hóa tương đối rõ nét, trong đó khoảng 20% câu hỏi khó.
Đề thi khá hay nhưng có phần gây bất ngờ cho HS và GV, nhất là câu trình bày suy nghĩ về vai trò của lao động trong cuộc sống con người. Đây là kiến thức của môn Giáo dục công dân nên HS, GV ít để ý hơn. Vấn đề này HS dễ viết nhưng rất khó đạt điểm trọn vẹn.
Mặt khác, đề thi này khó nhất là ở câu 2 (phần đọc hiểu), đòi hỏi HS có sự cảm thụ mới làm được bài nên rất khó ăn điểm tối đa ở câu hỏi này. Còn những câu hỏi khác, HS dễ dàng kiếm được điểm.
So với đề thi thử, đề thi này khó hơn. HS có học lực giỏi sẽ đạt từ điểm 8 trở lên nhưng không nhiều; phần lớn các em sẽ đạt từ 6-7 điểm.
(Cô Phạm Hồng Thủy, Tổ trưởng Bô môn Ngữ Văn, Trường THCS Trần Phú - TP.Vũng Tàu)
|
Em Nguyễn Ngô Phương Oanh, HS Trường THCS Cao Bá Quát (huyện Châu Đức) hồ hởi chia sẻ: “Em tâm đắc nhất với câu Nghị luận xã hội nói về vai trò của lao động trong cuộc sống của con người. Em đã liên tưởng tới hình ảnh người nông dân đội nắng dầm mưa để tạo nên những nông sản có giá trị, hình ảnh những người ngư dân chài lưới đánh bắt cá. Với môn thi này, em tự tin sẽ đạt trên 6 điểm”.
Cũng rời điểm thi với tâm trạng vui vẻ, em Nguyễn Vũ Kim Anh, HS Trường THCS Lê Quang Cường (TP.Bà Rịa) cho biết, kiến thức của đề thi nằm trong chương trình lớp 9 và đã được GV bộ môn ôn tập kỹ càng. Kim Anh nhận xét đề thi vừa sức nhưng vẫn bảo đảm sự phân hóa. Trong đó, câu Nghị luận xã hội về vai trò của lao động trong cuộc sống con người rất gần gũi, sát thực tế. Câu 2 phần Làm văn, em mới chỉ nêu khái quát được những vẻ đẹp của anh thanh niên, chưa làm nổi bật được vẻ đẹp của nhân vật. Tuy nhiên, với đề thi này, em ước chừng mình đạt khoảng 7 điểm.
NHÓM PV GIÁO DỤC