Khi các cô vợ nghiện mua sắm

Thứ Sáu, 28/06/2024, 15:59 [GMT+7]
In bài này
.

Mua sắm là thú vui của hội chị em. Tuy nhiên, chuyện chẳng có gì đáng nói nếu chị em biết mua sắm có chừng có mực, không để bản thân rơi vào tình trạng mất kiểm soát bản thân, chi tiêu quá đà khiến các ông chồng mệt mỏi.

Mua sắm là thú vui của hội chị em, song chị em cần biết cách mua sắm có chừng có mực, tránh tình trạng mất kiểm soát bản thân, chi tiêu quá đà.
Mua sắm là thú vui của hội chị em, song chị em cần biết cách mua sắm có chừng có mực, tránh tình trạng mất kiểm soát bản thân, chi tiêu quá đà.

Choáng… khi vợ mua sắm quá đà

Là một ông chồng có vợ nghiện mua sắm, anh Tiến (chung cư DIC Phoenix, TP. Vũng Tàu) luôn thấy ''cám cảnh'' khi vợ thường xuyên túi to, túi nhỏ xách về nhà. Cuối tuần nào vợ cũng đi mua sắm cùng nhóm bạn thân từ chiều đến tối mịt. Ngoài hàng thời trang, vợ anh Tiến còn ham hố mua sắm các đồ gia dụng như máy xay, kệ để đồ, móc treo, đồ làm bếp... là những thứ cô ấy "thấy là xách về". “Nhân lúc vợ không để ý, tôi lén xem đống quần áo váy vóc, giày dép, túi xách mới mua thì thấy giật mình với giá tiền mỗi chiếc áo, chiếc váy lên tới vài triệu đồng. Tôi nhẩm tính, nếu cái nào cũng có giá thế này thì tủ quần áo của vợ tôi đúng là tương đương với một gia tài”, anh Tiến cho hay.

Tương tự, vợ nghiện mua sắm cũng là nỗi khổ của anh Thành (phường 3, TP.Vũng Tàu). Chỉ riêng hai ngày cuối tuần vừa qua, anh Thành đã nhận tất cả 3 đơn hàng giúp vợ, chưa kể những đơn hàng chị trực tiếp nhận.

Anh Thành kể, thích mua sắm là thói quen khó bỏ của vợ anh. Tuy nhiên, từ khi mùa dịch COVID-19 bùng nổ, mọi thứ đặt hàng online thì “căn bệnh” này của vợ anh lại càng nặng. Bất kì lúc nào rảnh là chị vào các trang mua sắm điện tử để xem quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ... và chốt đơn. Nhiều bộ mua cách đây 2, 3 tháng vẫn còn mác treo lủng lẳng trong tủ, ấy thế mà mỗi đêm, chị vẫn lên các trang mua sắm điện tử để lựa hết bộ này, chọn bộ kia.

Để hạn chế vợ mua sắm một cách khéo léo, anh Thành có nhắc khéo vợ một tháng phải tiết kiệm được một khoản tiền để dành lúc ốm đau, hoạn nạn. Song vợ anh thì vẫn chứng nào tật đó, đã “lên cơn” nghiền là quên hết tất cả.

Không riêng gì vợ anh Tiến, anh Thành, nhiều chị em phụ nữ cũng đang mắc “căn bệnh” nghiện mua sắm này. Đặc biệt là các cô nàng độc thân càng là những tín đồ “chốt đơn, đặt hàng”. Nhiều cô nàng làm ra bao nhiều đều tiêu tốn hết vào mua sắm. Nhẹ thì hậu quả thường là “cháy túi”, “nhịn ăn để shopping". Nặng hơn thì không ít nàng phải vay mượn để thỏa sở thích được bỏ tiền mua sắm.

Mua sắm thông minh, gia đình hạnh phúc

Theo các chuyên gia tâm lý, để cải thiện vấn đề này, đầu tiên, các chị em cần ghi ra những thứ cần mua trước khi đi shopping và lập kế hoạch chi tiêu cho bản thân và gia đình. Trước khi đi mua sắm, cần suy nghĩ kĩ xem món đồ đó có thật sự cần thiết, không thể thiếu hay không, từ đó ưu tiên những thứ cần sắm trước, những thứ chưa thực sự cần thiết có thể mua sau.

Thêm vào đó, sau mỗi lần mua sắm, chị em cũng cần phải ghi lại chi tiết các món đồ đã mua và giá tiền. Tới cuối tháng sẽ có một “bức tranh toàn cảnh” về tình hình mua sắm của mình, từ đó sẽ tổng kết được món nào đã mua sắm một cách thông minh, món nào là chi quá tay và có kinh nghiệm cho những lần mua sắm sau.

Ngoài ra, chị em không nên mang theo quá nhiều tiền khi đi shopping, áng chừng một khoản vừa đủ cho các món đồ mà bạn đã suy nghĩ và thấy cần thiết phải mua trước đó.

Những cách làm trên thực sự không hề dễ thực hiện. Tuy nhiên, nếu các cô vợ không muốn lâm vào cảnh túng bấn, nợ nần, trở thành lý do để chồng than phiền, thậm chí đòi chia tay... thì phải cố gắng khép mình vào quy củ để giữ lấy hạnh phúc gia đình.

THẢO VY

 
;
.