Hiểu đúng về quáng gà

Thứ Sáu, 21/06/2024, 15:56 [GMT+7]
In bài này
.

Bệnh mù đêm (thường gọi là quáng gà) hầu như không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ nhưng sự suy giảm thị lực sẽ khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuôc sống bởi lẽ khi đã bị quáng gà, người bệnh không thể nhìn rõ mọi vật lúc hoàng hôn, khi trời bắt đầu chuyển từ sáng sang tối. Ngay cả ban ngày nếu ở trong không gian thiếu ánh sáng, người bệnh cũng sẽ chỉ nhìn thấy lờ mờ.

Trí tuệ nhân tạo mô phỏng lại hình ảnh của người bị quáng gà nhìn thấy lúc 6 giờ chiều.
Trí tuệ nhân tạo mô phỏng lại hình ảnh của người bị quáng gà nhìn thấy lúc 6 giờ chiều.

Những biểu hiện

Trong mắt người có 2 nhóm tế bào làm nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng là tế bào hình nón và tế bào hình que. Tế bào hình nón có chức năng phân biệt độ rõ nét, màu sắc và chi tiết của hình ảnh mà chúng ta nhìn, còn tế bào hình que chứa sắc tố rhodopsin để mắt nhìn thấy cảnh vật cho dù ánh sáng yếu. Nếu xảy ra tổn thương hoặc suy giảm sắc tố rhodopsin, sẽ dẫn đến hiện tượng tế bào hình que hoạt động kém khiến khả năng thu nhận ánh sáng giảm đi và đó là bệnh quáng gà.

Rất dễ để nhận ra người bị quáng gà bởi họ nhìn rất kém trong điều kiện ánh sáng yếu. Lấy thí dụ trong một căn phòng diện tích 20m2 chẳng hạn nhưng chỉ có 1 bóng đèn tròn công suất 30w thì với người bình thường, họ vẫn thấy rõ từng đồ vật, lối đi nhưng với người quáng gà, họ phải chờ một lúc lâu, thường là 1 đến 2 phút để tế bào hình que trong mắt làm quen với ánh sáng yếu thì mới nhìn thấy.

Với những trường hợp quáng gà nặng, dù có chờ lâu nhưng vẫn chỉ thấy lờ mờ nên vì vậy họ dễ bị vấp ngã, va chạm với những đồ vật chung quanh, khó tìm thấy những thứ muốn tìm, nhất là ở những môi trường không quen thuộc, không phải là nhà hoặc phòng riêng của họ.

Ngoài những biểu hiện nêu trên thì tùy vào nguyên nhân gây quáng gà, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, đau đầu, đau mắt, thấy có chấm đen trước mắt,...

Nguyên nhân gây bệnh

Dẫn chất carotenoid của vitamin A là thành phần không thể thiếu để hình thành sắc tố rhodopsin ở tế bào hình que, giúp mắt nhìn thấy mọi thứ trong điều kiện ánh sáng yếu. Do đó khi bị thiếu vitamin A kéo dài thì sẽ sinh ra quáng gà.

Quáng gà còn do tăng nhãn áp, gây tổn thương các thành phần trong ổ mắt, thoái hóa thần kinh thị giác, thoái hóa điểm vàng,... Bên cạnh đó, nếu bị đục thủy tinh thể thì ánh sáng đi vào mắt cũng bị cản trở, tế bào hình nón và tế bào hình que trong mắt nhận được ánh sáng ít hơn so với thực tế dẫn đến nhìn kém, nhìn mờ.

Ngoài ra, nếu bị đột biến gien gây viêm võng mạc sắc tố dẫn đến khả năng hoạt động của các tế bào cảm ánh sáng ở võng mạc bị ảnh hưởng. Một số nguyên nhân khác dẫn đến quáng gà là bị bệnh tiểu đường, bệnh giác mạc hình chóp nón (Keratoconus - giác mạc không có hình cầu mà lồi ra ngoài như chóp nón).

Khi đã bị quáng gà và nếu chưa điều trị, người bệnh cần tập cách đi lại, nhìn ngó trong điều kiện ánh sáng yếu. Tuyệt đối không đi bộ hoặc lái xe lúc trời chập choạng tối, không sử dụng các thiết bị có thể gây nguy hiểm nếu không nhìn thấy rõ như cắm dây điện vào ổ điện, mở công tắc điều chỉnh nhiệt độ của lò nướng, lò vi sóng, ủi quần áo… dù có thể là do thói quen, người bị quáng gà vẫn nhớ nên làm như thế nào.

Bên cạnh đó, nếu đã bị quáng gà, người bệnh cần đi khám mắt định kỳ để theo dõi diễn tiến bệnh cũng như thực hiện đúng phác đồ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Điều trị quáng gà

Tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng tình trạng suy giảm thị lực sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người bệnh. Vì thế, người bị quáng gà cần đi thăm khám để xác định nguyên nhân gây bệnh nhằm có hướng điều trị thích hợp, chẳng hạn như bổ sung vitamin A nếu thiếu nhưng tuyệt đối không nên tự uống vitamin A mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể bị ngộ độc vitamin A.

Với trường hợp bị quáng gà vì tăng nhãn áp, bác sĩ sẽ kê toa thuốc hạ nhãn áp, hoặc cũng có thể phải mổ để tránh gây thêm tổn thương cho võng mạc. Nếu bị quáng gà do đục thủy tinh thể, bác sĩ cũng sẽ mổ để thay thủy tinh thể nhân tạo. Kết quả sau mổ thường rất tốt, thị lực của bệnh nhân gần như phục hồi hoàn toàn.

Quáng gà do di truyền thì đến nay vẫn chưa có bất kỳ một phương pháp nào có thể chữa khỏi. Mọi biện pháp được bác sĩ áp dụng chỉ nhằm cải thiện triệu chứng đồng thời kiểm soát thời gian tiến triển của bệnh.

Ths, Bs Chuyên khoa Mắt LÝ HỒNG GIANG

;
.