Gợi ý làm bài thi lớp 10 môn Ngữ văn

Thứ Tư, 05/06/2024, 17:50 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 5/6, khoảng 16 ngàn thí sinh trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Xuyên suốt đề thi là hình ảnh đẹp đẽ của người lao động, vai trò của lao động trong cuộc sống con người.

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn
Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn

Ở phần Đọc hiểu, đề bài cho đoạn trích trong bài thơ “Bình minh lên cảng cá” của nhà thơ Đoàn Trọng Hải, yêu cầu thí sinh chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong dòng thơi “biển hát lời ban mai” và nêu ý hiểu về hình ảnh thơ “lấp lánh giọt mồ hôi”. Cùng với đó là nêu cảm nhận về hình ảnh người lao động trong đoạn trích.

Phần Làm văn, ở câu Nghị luận xã hội, đề bài yêu cầu thí sinh viết 1 đoạn văn trình bày suy nghĩ về vai trò của lao động trong cuộc sống con người. Ở câu Nghị luận văn học, đề yêu cầu nêu cảm nhận về vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích: “Người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ…không thể nào ngủ lại được” trong tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của tác giả Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ văn lớp 9).

Thí sinh tại điểm thi THPT Ngô Sĩ Liên (TP.Vũng Tàu) dự thi môn Ngữ văn.
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP.Vũng Tàu) dự thi môn Ngữ văn. Ảnh: KHÁNH CHI

Gợi ý làm bài môn Ngữ văn, thầy Đào Vĩnh Bộ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.Vũng Tàu) cho biết, ở câu 1 phần Đọc hiểu, biện pháp tu từ là nhân hóa, sự vật được nhân hóa là “biển”, từ nhân hóa là “hát” (hoặc hát lời ban mai vẫn chấp nhận).

Câu 2 phần Đọc hiểu, “lấp lánh giọt mồ hôi” gợi hình ảnh những giọt mồ hôi của người ngư dân đang ánh lên dưới ánh nắng bình minh. Giọt mồ hôi đánh dấu kết thúc công việc trên biển đầy khó khăn, cực nhọc nhưng tràn đầy niềm vui chiến thắng trở về. Đây là hình ảnh làm nổi bật hình ảnh của người dân chài, thiên nhiên tươi đẹp càng tôn lên vẻ đẹp của họ.

Câu 3, hình ảnh người lao động gợi lên sự trân trọng, tự hào trước những thành quả của người lao động đã làm giàu cho quê hương, đất nước. Cùng với đó là sự biết ơn tới họ bởi sự âm thầm lặng lẽ làm việc trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt.

Thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) phấn khởi ra về sau khi hoàn tất môn thi đầu tiên. Ảnh: NGỌC BÍCH
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) phấn khởi ra về sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. Ảnh: NGỌC BÍCH

Phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội, thí sinh cần nêu được lao động có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là yếu tố quyết định sự phát triển của xã hội. Lao động là quá trình làm việc tạo ra những giá trị về mặt vật chất cũng như tinh thần. Lao động tạo ra thu nhập, đảm bảo cuộc sống, giúp con người khẳng định giá trị xã hội và phát triển cá nhân. Không chỉ vậy, lao động làm nảy sinh ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy tiến trình chinh phục, khám phá, là bước đệm hỗ trợ con người thực hiện ước mơ, chinh phục thế giới mới.

Cùng với việc khẳng định vai trò của lao động và tôn vinh những người lao động, trong đoạn văn, HS có thể mở rộng vấn đề, phê phán những kẻ lười biếng, sống dựa dẫm, ăn bám… Kết đoạn cần một lần nữa khẳng định lại vai trò của lao động trong cuộc sống con người.

Tình nguyện viên chia sẻ niềm vui với thí sinh sau khi kết thúc môn thi đầu tiên. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Tình nguyện viên chia sẻ niềm vui với thí sinh sau khi kết thúc môn thi đầu tiên. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Câu Nghị luận văn học, theo thầy Bộ, các em cần giới thiệu được tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận trong phần mở bài. Thân bài, thí sinh cần khái quát tác phẩm trước khi nêu cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích.

Khi nêu cảm nhận về nhân vật, HS cần làm sáng tỏ các luận điểm: Anh thanh niên là người luôn biết quý trọng thời gian; Anh thanh niên là một người yêu nghề và có niềm đam mê khoa học; Anh thanh niêm là một chàng trai có tinh thần vượt khó, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Không chỉ phân tích các luận điểm, các em còn cần liên hệ, mở rộng vấn đề, đánh giá được nghệ thuật của tác phẩm…

NHÓM PV GIÁO DỤC

;
.