Giáo viên chia sẻ bí quyết làm bài thi vào lớp 10

Thứ Ba, 04/06/2024, 18:04 [GMT+7]
In bài này
.

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Chiều 5/6, hơn 16.300 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Thí sinh cần lưu ý điều gì để có thể đạt kết quả tốt nhất? Các GV bộ môn đã có những chia sẻ tâm huyết, giúp các em vững vàng hơn trong kỳ thi quan trọng này.

Môn Ngữ văn: Xác định đúng yêu cầu đề bài

Thầy Đào Vĩnh Bộ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.Vũng Tàu) lưu ý, khi làm bài thi môn Ngữ văn, HS cần đọc kỹ yêu cầu đề bài, gạch chân dưới các yêu cầu để tránh sót ý. Đồng thời cần phân chia thời gian làm bài hợp lý, tránh tình trạng hết giờ mà bài làm chưa hoàn thiện. Phải dành thời gian cho việc đọc và sửa lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, đối chiếu câu hỏi và phần làm xem còn sót ý hay không.

Ở phần Đọc hiểu, các em cần chú ý phương thức biểu đạt chính, các phương thức biểu đạt (nghị luận, tự sự hay biểu cảm… ); Thể thơ (tự do, lục bát, 5 chữ, 6 chữ…); Ngôi kể (thứ nhất hay thứ ba).

Các em HS nhận Thẻ dự thi tại điểm thi THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu).
Các em HS nhận Thẻ dự thi tại điểm thi THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu).

Với câu hỏi “theo tác giả”, “trong văn bản”…, các em cần đọc văn bản để tìm đáp án, tìm đúng và đủ. Câu hỏi “xác định nội dung chính”, HS cần đọc kỹ văn bản và trả lời câu hỏi “viết về vấn đề gì, vấn đề đó như thế nào?”. Còn với câu hỏi “em hiểu thế nào về câu nói”, phải gạch chân dưới từ, cụm từ chứa nội dung. Sau đó viết câu văn hoàn chỉnh giải thích nội dung từng từ, cụm từ đó. Cuối cùng là rút ra bài học, ý nghĩa của câu nói…

Ở câu Tiếng Việt, theo thầy Bộ, các em lưu ý đặc điểm lời dẫn trực tiếp, gián tiếp, cách chuyển lời dẫn; nhận biết khởi ngữ, các thành phần biệt lập, phép liên kết câu. Khi trả lời phải gọi tên đơn vị kiến thức và từ ngữ biểu thị. Với câu hỏi về phép tu từ từ vựng cần dựa vào dấu hiệu, bản chất để xác định. Khi trả lời cần lưu ý gọi tên phép tu từ và từ ngữ biểu thị, chỉ ra được ý nghĩa, giá trị của việc sử dụng nghệ thuật đó đối với nội dung, sự việc trong câu. Qua đó thấy được tình cảm, thái độ, tư tưởng của tác giả như thế nào.

Với bài Nghị luận xã hội, thầy Bộ cho rằng, dù đề bài đưa ra bất cứ vấn đề gì, thí sinh cũng cần bám sát dàn ý, tránh viết lan man không trọng tâm. Trong đó, lưu ý phần dẫn chứng và phân tích dẫn chứng ấy để làm rõ minh chứng cho vấn đề nghị luận. Trọng tâm của bài viết là phần ý nghĩa, giá trị của vấn đề được nêu ra. Đây là phần nhiều điểm nhất, quan trọng nhất của đoạn văn này.

Câu Nghị luận văn học, thí sinh cần xác định vấn đề nghị luận, phạm vi vấn đề. Các em nên xây dựng dàn ý sơ lược ra nháp để định hình bố cục bài viết, tránh thiếu ý. Khi viết bài cần vận dụng các thao tác phân tích, lập luận, chứng minh, bình luận... Đặc biệt, các em phải hoàn chỉnh một bài văn để lấy điểm bố cục và điểm các phần.

Môn Toán: Nắm vững kiến thức, đọc kỹ dữ liệu

Với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi tuyển sinh lớp 10, thầy Đoàn Tấn Quỳnh, GV bộ môn Toán, Trường THCS Lê Quang Cường (TP.Bà Rịa) chia sẻ, khi làm bài, HS thường mắc một số lỗi sai về kiến thức cơ bản như: quên đặt điều kiện ở bài giải phương trình, hệ phương trình; không đối chiếu điều kiện trước khi kết luận; không viết đơn vị ở bài giải toán, làm tròn số sai; dạng bài tập hệ thức Vi-et quên đặt điều kiện phát sinh; vẽ hình chưa đúng với yêu cầu đề bài… Bên cạnh đó, một số HS không cẩn thận, đọc không kỹ đề bài, chép sai đề bài, chuyển vế quên đổi dấu dẫn đến làm sai.

Theo thầy Quỳnh, để khắc phục những sai sót nói trên, giải pháp đầu tiên là các em phải nắm chắc kiến thức. Đồng thời luôn nhắc bản thân bình tĩnh, cẩn thận. Khi làm bài, các em nên gạch chân từng ý của đề bài xem còn dữ kiện gì trong bài chưa sử dụng, từ đó phân tích bài toán và xử lý.

Từ thực tế giảng dạy, thầy Quỳnh cho hay, một số thí sinh có lực học tốt nhưng điểm chưa cao. Nguyên nhân là do các em “coi thường” những bài Toán cơ bản và sa đà vào làm câu khó, mang tính phân loại (trong khi những câu này chỉ chiếm 15% tổng điểm). Không làm được câu khó và lại bị mất điểm ngay ở những câu hỏi dễ là điều vô cùng đáng tiếc. “Khi làm bài thi, câu nào dễ các em làm trước, câu khó làm sau. Trước khi làm câu khó, các em cần phải rà soát kỹ càng những câu đã làm được”, thầy Quỳnh nhấn mạnh.

Thêm một lưu ý với môn Toán là thí sinh đi thi nhớ mang theo thước kẻ, compa, đặc biệt là máy tính cần kiểm tra pin trước khi thi, tránh trường hợp máy hết pin làm ảnh hưởng tâm lý.

Môn tiếng Anh: “Viết nhầm hơn bỏ sót”

Với môn tiếng Anh, cô Võ Thị Quỳnh Như, GV Trường THCS Trần Phú (TP.Vũng Tàu) cho biết, thí sinh sẽ làm bài vào đề thi nên sau khi viết đầy đủ thông tin cá nhân vào đề, cần tập trung vào phần nghe để xem yêu cầu đề là gì và đoán những từ, cụm từ mình có thể sẽ được nghe. Các em chú ý các từ chìa khoá trong các câu hỏi. Nếu nghe được các từ liên quan đến con số thì nên ghi số hơn là ghi chữ, để tránh sai lỗi chính tả.

Phần trắc nghiệm, thí sinh cần chú ý đọc kỹ đề và lựa chọn đáp án theo 2 mặt: ngữ nghĩa lẫn ngữ pháp và vẫn cần chú ý các từ chìa khoá trong câu. Nếu mơ hồ giữa các đáp án thì có thể lựa chọn theo phương pháp loại trừ.

Đối với phần Đọc hiểu, HS nên đọc kỹ phần câu hỏi trước, chú ý các từ như NOT TRUE, EXCEPT… sau đó mới đọc đoạn văn để tìm câu trả lời đúng nhất.

Ở phần viết lại câu, HS chú ý không được viết sai chính tả đối với các từ chép lại trên đề xuống. Sau khi làm xong mỗi câu, HS nên xem lại Chủ từ và Động từ trong câu đã chia đúng thì chưa.

Cô Quỳnh Như cũng nhắc nhở HS khi viết đoạn văn, nếu không thể viết hay thì viết đúng và đủ số lượng từ. Có thể sử dụng câu đơn và ghép với nhau bằng các liên từ. Bố cục phải có câu mở bài và câu kết bài. Phần thân bài phải đưa ra được ít nhất 2 ý. HS không nên sử dụng từ hoặc cấu trúc ngữ pháp mà mình không nắm rõ, nên dùng từ quen thuộc.

“HS không bỏ trống bất kỳ câu nào, làm hết khả năng của mình. Thà viết nhầm còn hơn bỏ sót. Các em còn cần phải chú ý phân bổ thời gian làm bài cho hợp lý và dành một ít thời gian để kiểm tra lại toàn bộ bài làm, tránh bỏ sót bất kỳ câu nào cũng như khoanh nhầm đáp án”, cô Như nói.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.