Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, những vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường thường phát sinh nhiều “điểm nóng”. Đi vào “điểm nóng” đã trở thành “mệnh lệnh” từ trái tim của những phóng viên yêu nghề.
Phóng viên Quách Hằng - Đài PTTH tỉnh phỏng vấn ngư dân về việc ra khơi đưa rác vào bờ để giữ gìn môi trường biển. |
Có mặt mọi lúc, mọi nơi
Lúc đó là 12h trưa, nhận được tin một số đối tượng trên địa bàn TX.Phú Mỹ “xẻ thịt” núi Thị Vải, tôi nuốt vội chén cơm đang ăn dở rồi thay quần áo và lên đường. Đường vào núi Thị Vải quanh co… khó khăn lắm tôi mới tìm được lối đi.
13h có mặt tại chân núi, chúng tôi theo chân người dân địa phương lên núi, nơi mà một số đối tượng đang điều hành công nhân, xe cẩu, xe cuốc, xe phá đá… để “xẻ thịt” núi Thị Vải. Qua xác minh và nắm thông tin, chúng tôi biết được có 31.538,8m2, trong đó, có tới gần 17.000m2 là đất rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh bị phá hoại.
Từ phản ánh của báo chí, vụ việc đã được chính quyền địa phương yêu cầu lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý. Tháng 6/2021, Công an TX. Phú Mỹ đã khởi tố vụ án “huỷ hoại rừng” tại khu vực tiểu khu rừng Tân Phước - núi Thị Vải. 4 cán bộ kiểm lâm đã bị bắt và 3 người khác bị xử phạt số tiền hơn 560 triệu đồng.
Môi trường vẫn luôn là vấn đề nóng trên địa bàn tỉnh, do đó phóng viên không chỉ phải xông pha vào những chỗ nguy hiểm mà còn phải nhanh chóng, kịp thời nắm bắt thông tin. Hải Yến - phóng viên Đài PTTH tỉnh cho hay: “Khi xông vào điểm nóng thì không thể tính toán chuyện thời gian. Bởi có những việc nhà báo không thể làm ban ngày, mình phải biết sắp xếp việc gia đình để làm nhiệm vụ. Báo chí phải vào cuộc, phải xông pha mới có những tác phẩm sinh động”.
Phóng viên Mạnh Khá- CTV của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ câu chuyện lao mình giữa trời mưa để cùng lực lượng chức năng ập đến Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên “bắt quả tang” DN này đấu nối ống nước thải, tuồn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Anh đã kiên nhẫn bám sát mục tiêu để có được những thước phim quay cận cảnh quá trình vi phạm của DN và quy trình làm việc rất nghiêm túc của lực lượng chức năng.
Đấu tranh với những hành động hủy hoại môi trường
Theo chia sẻ của phóng viên Quách Hằng - Đài PTTH tỉnh, lĩnh vực môi trường có đặc thù là sẽ động chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số người, một số đối tượng phạm pháp nên trong quá trình khai thác thông tin, nhà báo thường bị cản trở. Đôi khi tính mạng nhà báo cũng bị đe dọa. Do đó, để có những tuyến bài hay, phóng viên môi trường phải thật sự đam mê và dấn thân.
Thực tế, nhiều phóng viên, nhà báo dấn thân, có những tuyến bài điều tra dài kỳ về các đối tượng “lâm tặc”, “cát tặc”, tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải; những dự án chưa chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường; hay những vụ tàn phá tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển, sông ngòi… Phóng viên môi trường đã chuyển tải những vấn đề bức thiết ấy thành những tác phẩm báo chí sinh động, tác động ngược lại đến các nhà quản lý để có biện pháp xử lý.
Tại các cuộc họp báo, lãnh đạo Sở TN-MT cũng nhấn mạnh, báo chí cần tuyên truyền sao cho mỗi người dân, đơn vị, DN thấy rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung, ai cũng phải chung tay, chứ không riêng gì cơ quan môi trường. Báo chí hướng tới tuyên truyền sâu hơn những tấm gương bảo vệ môi trường, có sáng kiến trong trồng rừng, bảo vệ rừng và tài nguyên, khai thác thủy hải sản bền vững, có sáng tạo trong việc giảm phát thải nhựa, túi ni-lông…
Bài, ảnh: QUANG VŨ