Chú trọng chất lượng bữa ăn công nhân

Thứ Tư, 19/06/2024, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 64 ngàn công nhân làm việc tại các KCN. Trong đó, nhiều DN đã tổ chức bữa ăn giữa ca và có cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân.

NLĐ Doanh nghiệp chế xuất Nitori (KCN Phú Mỹ 3, TX.Phú Mỹ) dùng bữa ăn giữa ca.
NLĐ Doanh nghiệp chế xuất Nitori (KCN Phú Mỹ 3, TX.Phú Mỹ) dùng bữa ăn giữa ca.

Ăn ngon và an toàn

Khuôn viên nhà ăn DN chế xuất Nitori (KCN Phú Mỹ 3, TX.Phú Mỹ) được thiết kế lý tưởng, tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu với nhiều cây xanh, thoáng mát và sạch sẽ. Coi trọng sức khỏe NLĐ, DN chú trọng điều chỉnh bữa ăn ca sao cho ngon, an toàn và đủ dinh dưỡng.

Ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch CĐCS DN chế xuất Nitori cho biết, mỗi bữa ăn của công nhân có giá 21.000 đồng/suất. Mỗi tháng, NLĐ sẽ có một bữa ăn đặc biệt trị giá 50.000 đồng/suất. Để bảo đảm chất lượng bữa ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm, DN đã chọn giải pháp thuê đơn vị nấu ăn cho công nhân.

“Công ty chúng tôi có 4.000 công nhân. Bữa ăn giữa ca luôn được coi trọng để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Chúng tôi đang thương lượng với DN để nâng mức bữa ăn ca lên 25.000 đồng/suất. Công đoàn thường xuyên lấy ý kiến NLĐ về chất lượng bữa ăn và có sự điều chỉnh phù hợp”, ông Đông nói.

Chị Nguyễn Kim Phụng, công nhân DN chế xuất Nitori cho biết, chị rất hài lòng về bữa cơm giữa ca vì không chỉ ngon mà còn sạch, an toàn. Thực đơn được thay đổi hàng ngày và được kiểm tra kỹ để bảo đảm đủ lượng, chất cho bữa ăn.

Nhiều DN trong các KCN đã dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho công nhân. Điển hình như tại Công ty TNHH Lock and Lock Vina (TX.Phú Mỹ). Mỗi bữa ăn ca của NLĐ tại công ty có giá 22.000 đồng/người. Thực đơn rất phong phú, mỗi bữa ăn có 1-2 món mặn, món xào, món canh và tráng miệng.

Anh Nguyễn Hữu Diệp, công nhân Công ty TNHH Lock and Lock Vina chia sẻ: “Nhiều năm làm việc tại công ty, tôi rất yên tâm về bữa ăn giữa ca. Thực đơn thay đổi hàng ngày và trong tuần không lặp lại. Hàng tuần bữa ăn của chúng tôi có thêm sữa chua 2 lần, bánh 2 lần, còn ca đêm có sữa tươi”.

Sức khỏe công nhân là trên hết

Theo chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn giữa ca ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và năng suất làm việc của công nhân. Muốn công nhân có sức khỏe để làm việc tốt, bữa ăn giữa ca phải bảo đảm chất lượng, đủ chất dinh dưỡng.

Từ năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7C/NQ-TLĐ về chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý CĐCS trong khu vực DN và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (tại nơi chưa thành lập công đoàn) khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15.000 đồng/suất, đồng thời khuyến khích DN nâng mức bữa ăn giữa ca cao hơn.

Đầu tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh đã ký ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp trong các cấp công đoàn, trong đó, có nội dung cải thiện chất lượng bữa ăn ca của NLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn các cấp công đoàn vận động, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động thực hiện tốt Nghị quyết số 7C/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Đặc biệt quan tâm đến một số ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, điện tử...

Theo LĐLĐ tỉnh, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chất lượng bữa ăn giữa ca được các đơn vị, DN đặc biệt chú trọng. Đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể luôn thường xuyên lấy ý kiến của NLĐ để nâng cao chất lượng cung cấp bữa ăn ca nhằm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Hiện nay đã có 379/633 CĐCS ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung bữa ăn ca. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tại đơn vị, DN có tổ chức bữa ăn cho NLĐ cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn ca.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, bữa ăn ca cần được cân đối các thực phẩm theo tháp dinh dưỡng, món ăn đa dạng, bảo đảm nhu cầu năng lượng theo từng nhóm đối tượng nghề, công việc. Người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV, V, VI) có định mức suất ăn khác với định mức suất ăn cho người làm nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm (điều kiện lao động loại I, II, III), không cào bằng.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.