Trong tháng 5, Sở GD-ĐT phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP.Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho HS sau tốt nghiệp THCS. Chương trình cung cấp những thông tin cần thiết về chương trình ở bậc THPT, các chính sách của giáo dục nghề nghiệp, cũng như “nguyên tắc” để đưa ra lựa chọn cho tương lai.
Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An tư vấn hướng nghiệp cho HS lớp 9 tại TP.Vũng Tàu. |
Cần trang bị kỹ năng và công nghệ
Là chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nhân lực, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết, sau tốt nghiệp THCS, các em HS có nhiều con đường để lựa chọn. Mỗi con đường lại có một giá trị riêng. Tuy nhiên, trong thời kỳ chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo tác động tới tất cả các ngành nghề với xu hướng ngày càng tăng thì mỗi người đều phải bước vào con đường học tập suốt đời.
Chuyên gia này cũng chỉ ra các yếu tố bắt buộc mà người lao động cần phải có, đó là kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và công nghệ. “Hiện nay, các ngành nghề đều ứng dụng công nghệ nên muốn làm bất cứ ngành nghề gì cũng đều phải học và rèn luyện để có được những kỹ năng này”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Còn theo TS tâm lý Đào Lê Hòa An, các em cần xác định được bản thân các em đang ở đâu thì mới có thể vẽ ra cho mình con đường đi mang lại sự thành công và hạnh phúc. Sau khi tốt nghiệp THCS, các em HS thường lựa chọn vào THPT công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, các em cũng có thể lựa chọn theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, du học hoặc vào học tại Trung tâm GDTX.
TS. Hòa An cho rằng: “Điều quan trọng là con đường đó có phù hợp với năng lực của các em hay không. Những HS giỏi tư duy nên theo học Giáo dục phổ thông, còn những em giỏi thực hành có thể lựa chọn giáo dục nghề nghiệp. Mỗi em đều có tiềm năng riêng. Hãy lựa chọn môi trường phù hợp để phát huy tiềm năng của mình”.
Chương trình GDPT 2018, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử, Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học lựa chọn là Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Các môn học tự chọn gồm có Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
HS căn cứ vào năng lực, sở trường của bản thân để lựa chọn 4 môn từ các môn học lựa chọn thành các chuyên đề học tập. Đây là tiền đề giúp các em định hướng nghề nghiệp để chuẩn bị hướng đi sau tốt nghiệp THPT.
|
Và để hiểu rõ được bản thân mình, lời khuyên mà chuyên gia đưa ra là các em hãy dành thời gian đủ lâu và đủ sâu để trả lời các câu hỏi: Bạn giỏi cái gì nhất? Bạn muốn tương lai của mình đi hướng nào?...
Giải đáp băn khoăn của HS về việc có được thay đổi tổ hợp môn đã chọn hay không, bà Võ Thị Ngọc Bích, đại diện Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Bà Rịa) cho biết, sau khi đậu vào các trường THPT, các nhà trường sẽ tổ chức ít nhất 2 buổi tư vấn trước khi vào năm học mới nhằm giúp các em lựa chọn tổ hợp phù hợp nhất. Hết học kỳ 1 hoặc hết năm học lớp 10, các em vẫn được thay đổi tổ hợp nếu hoàn thành môn học và các bài thi, bài kiểm tra theo đúng quy định.
Cơ hội rộng mở với giáo dục nghề nghiệp
Đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin, HS tốt nghiệp THCS theo học trung cấp hệ 9 cộng tại trường sẽ được đào tạo trong thời gian 3,5 năm. Trong đó, các em được học nghề trình độ trung cấp, song song với học khối lượng kiến thức văn hóa THPT với 4 môn văn hóa tùy theo ngành học. Các em được miễn 100% học phí học nghề và chỉ phải đóng học phí văn hóa 4,5 triệu đồng cho cả 3 học kỳ.
Sau khi nhận bằng trung cấp cùng giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT, HS được học liên thông lên CĐ. Lúc này các em mới phải đóng học phí theo quy định. Tốt nghiệp CĐ, SV có thể đăng ký học liên thông lên ĐH ngay tại trường. Nhà trường liên kết với các trường ĐH tại TP.Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho SV có thể vừa làm vừa học. Nhà trường còn kết nối với 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo cơ hội việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.
Đại diện Phổ thông CĐ FPT Polytechnic, bà Hà Thị Hồng Sa, Giám đốc cơ sở Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, Trường Phổ thông CĐ FPT có 33 cơ sở toàn quốc. Các em HS chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện tuyển thẳng. Về quá trình học, trong 2 năm đầu, HS được đào tạo trình độ Trung cấp, sang năm thứ 3 được đào tạo trình độ CĐ. Điểm nổi bật là trường đã đưa kỹ năng mềm trở thành môn học chính. Bên cạnh đó, các chuyên ngành đào tạo của trường đều gắn với sự dịch chuyển công nghệ số, đón đầu xu hướng nguồn nhân lực như với những ngành như Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa…
Theo bà Hồng Sa, sau 3 năm học, SV sẽ có trong tay Chứng nhận kỹ năng mềm, Chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, Bằng tốt nghiệp Trung cấp, CĐ. Đáng lưu ý là các em được chuyển cơ sở đào tạo khi thay đổi địa bàn sinh sống, được tuyển thẳng lên học ĐH FPT sau khi tốt nghiệp CĐ, được thực tập tại các doanh nghiệp của FPT, doanh nghiệp liên kết, đối tác thành viên trong, ngoài nước và hỗ trợ việc làm sau khi ra trường. Trong 2 năm học trung cấp, SV của trường còn được hỗ trợ học phí theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ.
HOÀNG DƯƠNG