Sỏi thận - sỏi tiết niệu: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Thứ Sáu, 10/05/2024, 16:49 [GMT+7]
In bài này
.

Sỏi thận hay còn gọi là sỏi tiết niệu là những phân tử rắn hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ trong nước tiểu, phần lớn phát xuất từ thận, di chuyển theo ống dẫn nước tiểu rồi bài tiết ra ngoài.

Hình chụp cắt lớp cho thấy thận trái bệnh nhân có rất nhiều sỏi.
Hình chụp cắt lớp cho thấy thận trái bệnh nhân có rất nhiều sỏi.

Tuy nhiên, tại một vị trí nào đó trên đường đi của ống dẫn tiểu, viên sỏi bị vướng lại rồi tiếp tục kết tinh, dẫn đến lưu thông nước tiểu bị cản trở gây ứ đọng, giãn phình ống dẫn nước tiểu ở phần trên vị trí tắc nghẽn. Hậu quả là, sỏi tiếp tục to lên và có thể hình thành thêm nhiều loại sỏi khác gây nhiễm trùng, phá hủy các cấu trúc của thận.

Các dạng sỏi thận-dấu hiệu nhận biết

Sỏi thận thường gặp ở nam giới, tuổi từ 30-55 vì hệ thống dẫn nước tiểu cấu tạo phức tạp hơn nữ giới. Dựa vào vị trí của viên sỏi, y học chia sỏi thành nhiều loại: Sỏi thận là sỏi nằm ở thận, gồm sỏi đài thận và sỏi bể thận. Sỏi niệu quản là sỏi di chuyển từ bể thận xuống niệu quản, gây tắc đường tiết niệu. Sỏi bàng quang (bọng đái) là sỏi từ thận, niệu quản rớt xuống bàng quang hoặc do tắc vùng cổ bàng quang, niệu đạo. Sỏi niệu đạo là viên sỏi theo dòng nước tiểu từ bàng quang xuống niệu đạo rồi bị mắc kẹt.

Biểu hiện rõ nhất khi thận có sỏi là đau dữ dội, đến mức người ta gọi đó là “cơn đau bão thận” hoặc “cơn đau quặn thận”. Nếu đau do sự tắc nghẽn bể thận và đài thận thì cơn đau thường xuất hiện ở hố thắt lưng, dưới xương sườn 12, đau lan về phía trước hướng rốn và hố chậu. Nếu đau do sỏi niệu quản, cơn đau xuất phát từ hố thắt lưng lan dọc xuống dưới theo đường niệu quản, đến hố chậu bộ phận sinh dục, mặt trong của đùi.

Đau xuất hiện rất đột ngột, càng lúc càng dữ dội, người bệnh quằn quại, vật vã để tìm một tư thế nằm, ngồi, giúp làm giảm cơn đau. Bên cạnh đó, có thể buồn nôn hoặc nôn ói, chướng bụng do liệt ruột hoặc sốt, rét run nếu có nhiễm trùng tiết niệu kết hợp. Nếu sỏi có bề mặt nhám, gai… thì khi cọ xát vào đường tiểu, người bệnh có thể tiểu ra máu.

Nguyên nhân gây sỏi thận

Phần lớn các nguyên nhân gây sỏi thận, gồm: uống không đủ nước nên nước tiểu bị cô đặc, nồng độ các tinh thể bị bão hòa trong nước tiểu, ăn nhiều muối dẫn đến cơ thể phải cố gắng đào thải chất natri, ăn nhiều đạm khiến độ pH trong nước tiểu tăng nhưng lại giảm khả năng hấp thụ chất citrat, uống quá nhiều thuốc bổ dẫn đến cơ thể dư thừa, nhất là calcium và vitamine C.

Một số bệnh lý khác như: viêm loét dạ dày mãn tính, phì đại hoặc u xơ tiền liệt tuyến, có túi thừa trong bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.

Khi mới hình thành sỏi thận, phần trên đường tiết niệu có sỏi sẽ gia tăng co bóp để đẩy viên sỏi ra ngoài nhưng sau khoảng 3 tháng mà không kết quả, niệu quản, bể thận và đài thận ở trên chỗ tắc sẽ bị giãn nở. Nhu động niệu quản giảm, viên sỏi bám dính vào niêm mạc, niệu quản bị xơ dày, có thể bị hẹp lại, chức năng thận suy giảm, thận ứ nước và nếu nhiễm trùng sẽ ứ mủ, lâu dài gây viêm thận bể thận mạn tính, dẫn đến suy thận.

Điều trị sỏi thận

Khi nghi ngờ bệnh nhân bị sỏi thận, bác sĩ cho chụp X quang bụng không chuẩn bị hoặc chụp X quang niệu quản thận ngược dòng và xuôi dòng, hoặc chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch (UIV), xét nghiệm nước tiểu tìm cặn lắng, tìm vi khuẩn, đo độ pH nước tiểu…

Tiếp theo, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng một số thuốc để viên sỏi có thể bị đẩy ra ngoài một cách tự nhiên. Một số loại thuốc y học cổ truyền có tác dụng làm tan sỏi, nhưng qua theo dõi, nó hầu như chỉ tác dụng với sỏi nhỏ, kích thước dưới 4mm và phải uống rất dài ngày. Vì thế, không nên tự ý sử dụng nếu không có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Trong trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ áp dụng phẫu thuật nội soi để lấy sỏi hoặc tán sỏi qua da. Khi đã biết rõ viên sỏi là loại gì, kích thước, vị trí của nó và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chọn lựa cách làm nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuyệt đối tuân theo chỉ định về chế độ ăn, số lượng nước uống trong ngày, vì dù viên sỏi đã ra ngoài theo đường nước tiểu, mổ nội soi hay tán sỏi, nó vẫn dễ dàng tái phát.

Ths, Bs CAO HỮU TRÍ 

 
;
.