Phương pháp cai nghiện thuốc lắc

Thứ Sáu, 17/05/2024, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Xin bác sĩ giải thích làm thế nào để biết một người nghiện thuốc lắc và phương pháp nào có thể cai nghiện hiệu quả nhất.

(haianh@...)

Trả lời: Thuốc lắc là chữ dùng để gọi các loại ma tuý tổng hợp nhưng đều có chung hoạt chất 3,4-methylenedioxymethamphetamine (MDMA), thường được người nghiện sử dụng dưới dạng viên nén hoặc viên nang. Nó có tính năng như một chất kích thích vì nó tăng tốc hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Ở liều lượng cao, thuốc làm thay đổi nhận thức của người dùng, gây ảo giác.

MDMA bắt đầu có tác dụng sau khoảng 20 phút kể từ khi uống, kéo dài từ 3 đến 4 giờ. Các triệu chứng thường thấy của người uống là hưng phấn, biểu hiện giống như gặp chuyện rất vui, nói năng cười đùa lớn tiếng, thậm chí hoa chân múa tay, rất tự tin khi đề cập đến vấn đề nào đó, thể hiện tình cảm mãnh liệt với người khác. Điều đặc biệt là người uống thuốc lắc nói dối rất trơn tru, tài tình, nói y như thật.

Khi nồng độ thuốc trong máu đã đạt đỉnh, người uống rơi vào trạng thái im lìm, hàm nghiến chặt, nghiến răng, gãi nhiều nơi trên cơ thể, chủ yếu là tay chân, đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn mửa, nhăn nhó vì đau nhức cơ bắp. Nếu đo huyết áp lúc ấy sẽ thấy huyết áp tăng cao, nhịp tim nhanh, chán ăn, có biểu hiện lo lắng và có thể có những hành vi vô lý, dễ cáu gắt. Nếu dùng đèn pin soi vào mắt sẽ thấy đồng tử của người dùng thuốc giãn rộng.

Theo các khảo sát, chỉ cần 3 hoặc 4 lần uống MDMA là đã có thể nghiện. Để biết được một người có dùng thuốc lắc hay không, phương pháp thường được áp dụng là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu (bộ dụng cụ xét nghiệm nước tiểu có thể mua ở các nhà thuốc Tây). Tuy nhiên cái khó là làm sao lấy được nước tiểu của người uống thuốc lắc ngoại trừ người ấy đồng ý nên phần lớn các trường hợp đều phải cưỡng bách xét nghiệm.

Về phương pháp cai nghiện, chống tái nghiện, hiện tại chẳng có phương pháp nào hiệu quả 100% nếu người nghiện thuốc lắc không tự nguyện cai. Ngay cả khi đưa họ vào trung tâm cai nghiện cũng thế. Sau một thời gian ở trung tâm, họ sẽ cắt được cơn thèm thuốc, tâm sinh lý trở lại bình thường. Tuy nhiên, khi ra khỏi trung tâm nếu không có sự quyết tâm và sự động viên, giúp đỡ của gia đình, xã hội, họ rất dễ tái nghiện nếu vẫn tiếp xúc với bạn bè nghiện hoặc trong cuộc sống, họ gặp phải những nghịch cảnh.

Ngoài việc người nghiện tự nguyện cai thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, bác sĩ, chuyên gia tâm lý để vừa cắt cơn thực thể, vừa giúp người nghiện hiểu rõ những tác hại nguy hiểm của thuốc lắc đồng thời cũng cho người nghiện thấy rằng họ vẫn là thành viên của gia đình, không ai bỏ rơi họ nếu họ quyết tâm đoạn tuyệt với ma tuý.

Thạc sĩ tâm lý LÊ TRẦN TRANG

;
.