Phòng tránh ho gà cho trẻ dưới 6 tuổi
Ho gà là một trong những bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Bordetella Pertussis thuộc họ Bordetella gây nên, thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi.
Nghĩ đến ho gà nếu trẻ ho rũ rượi từ 10 đến 15 cơn mỗi lần. |
Triệu chứng
Khi đã xâm nhập đường hô hấp trên, vi khuẩn ho gà phóng thích độc tố rồi từ 5 đến 10 ngày sau, bệnh nhi bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên, thường là đau họng, sốt nhẹ, chảy nước mắt, sổ mũi, hắt hơi, ho, khàn tiếng. Nếu không phát hiện và điều trị thì khoảng 2 hoặc 3 tuần, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ rệt hơn, gồm ho rũ rượi, ho thành cơn, mỗi cơn có từ 15 đến 20 tiếng ho. Sau mỗi cơn ho, có tiếng rít giống như tiếng gà, thoạt đầu nghe rõ rồi nhỏ dần, bệnh nhi nôn mửa, khạc đờm màu trắng trong, nhầy, dính, đờm có nhiều vi khuẩn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm toàn cầu có khoảng 30 đến 50 triệu trường hợp mắc bệnh ho gà, trong đó tử vong là 300 ngàn người, phần lớn là trẻ từ dưới 1 tuổi đến 6 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng.
Cứ 100 trẻ khoẻ mạnh tiếp xúc gần với trẻ ho gà thì có đến 80 trẻ bị lây vì khi ho, miệng trẻ bệnh bắn ra những giọt nước nhỏ li ti, chứa vi khuẩn Bordetella Pertussis. Môi trường thuận lợi nhất để bệnh lây lan là nhà trẻ, trường học, các khu vui chơi tập trung, trên xe bus, xe khách… Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhi sẽ hết chỉ sau 5 đến 7 ngày nhưng nếu phát hiện trễ, bệnh có thể có những biến chứng nghiêm trọng gây suy hô hấp, tử vong cao.
Biến chứng nguy hiểm
Đa số biến chứng của ho gà xuất hiện khi trẻ bội nhiễm do điều trị muộn, không đúng cách. Các biến chứng thường gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gồm viêm phổi, viêm phế quản, hầu hết xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc đề kháng kém. Biến chứng có thể bắt đầu từ tuần thứ 2 sau khi các cơn ho xuất hiện khiến bệnh nhi sốt cao kéo dài, mệt mỏi, da tái xám. Một số trường hợp trẻ khó thở khi bệnh tiến triển nặng.
Một biến chứng khác của ho gà là suy hô hấp, thể hiện bằng việc trẻ tăng cân bất thường, phù mặt và chân, tăng huyết áp, mạch đập nhanh, nổi tĩnh mạch cổ, gan, lách to, có thể dẫn đến suy tim.
Bên cạnh đó, trẻ còn có thể mắc phải bệnh về não do thiếu oxy trong quá trình suy hô hấp, gây tổn thương hệ thần kinh, viêm não, xuất huyết não, phù não… Các tổn thương này xuất hiện với các triệu chứng như sốt cao đột ngột, da xám, môi tím, chân tay lạnh, co giật… Nếu không được đưa đến các cơ sở y tế kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao.
Ngoài các biến chứng kể trên, bệnh ho gà có thể gây nên một số biến chứng khác như xuất huyết kết mạc, tràn khí màng phổi, thắt thoát vị, sa trực tràng, viêm tai giữa, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, tê liệt, thoát vị rốn và trực tràng,… Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh ho gà sớm là vô cùng quan trọng.
Điều trị ho gà Dựa vào thể trạng sức khỏe, độ tuổi, mức độ bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho trẻ, chủ yếu là thuốc kháng sinh kết hợp với hút đờm nếu tiết ra quá nhiều. Nếu trẻ gặp các vấn đề về hô hấp, khó thở, trẻ sẽ được hỗ trợ thở oxy, thở máy, bù nước, bù điện giải và bổ sung dưỡng chất. |
Vaccine là cách phòng ngừa hiệu quả nhất
Tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch là cách tốt nhất và hiệu quả nhất trong phòng ngừa bệnh ho gà. Sau khi tiêm, nếu có mắc bệnh thì bệnh xảy ra ở mức độ nhẹ, dễ kiểm soát và dễ điều trị.
Với môi trường sống, nhà ở, phòng học, nhà trẻ, khu vui chơi… cần bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời. Thường xuyên hướng dẫn trẻ cách rửa tay bằng xà phòng, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Khi ho, hắt hơi, dạy trẻ cách lấy khăn giấy che miệng, mũi, sau đó bỏ giấy vào thùng rác rồi rửa tay đồng thời dạy trẻ hạn chế đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng.
Nếu trong nhà, lớp học có trẻ bị ho gà thì cần cách ly những trẻ khác. Với những trẻ đã vô tình tiếp xúc với trẻ bị bệnh thì nên đưa đến các cơ sở y tế để kiểm tra dù trẻ chưa có biểu hiện gì. Với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, nên nuôi dưỡng bằng sữa mẹ nếu người mẹ có đủ sữa. Với trẻ từ 1 tuổi trở lên, cho trẻ ăn đủ 4 nhóm chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể (chất đạm, chất béo, chất bột, vitamin và khoáng chất), bổ sung thêm rau xanh và trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày…
Bs TRẦN NGỌC VINH