Trung bình mỗi ngày, Khoa Ung bướu (Bệnh viện Bà Rịa) điều trị giảm nhẹ và nâng đỡ cho 20-30 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Đây là giải pháp nhằm xoa dịu những cơn đau đớn, kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ Võ Thái Sang (Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bà Rịa) thăm khám cho bệnh nhân V.V.H. |
Lấy bệnh viện làm nhà
Con trai của chị Nguyễn Thị Hồng Yến (TT.Long Hải, huyện Long Điền) chưa đầy 4 tuổi. Cách đây hơn 6 tháng, bé được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy giai đoạn cuối. Bé còn bị hở van tim, nhiễm trùng đường ruột nên việc điều trị đặc hiệu bằng cách truyền hóa chất sẽ gặp nhiều rủi ro. Gia đình chị chọn biện pháp điều trị giảm nhẹ tại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Bà Rịa) để thêm cơ hội sống cho con. Trung bình mỗi tuần, chị phải đưa con vào viện 1 lần, mỗi lần nằm viện 3 ngày. Trong thời gian này, bé được truyền các chế phẩm máu và điều trị giảm đau các triệu chứng.
Chị Yến chia sẻ, khi con mới được phát hiện mắc bệnh nặng, vợ chồng chị rất hoang mang. Từ khi đưa con đến điều trị tại Khoa Ung bướu, được các y, bác sĩ đồng hành, động viên, chia sẻ như người thân, gia đình chị dần chấp nhận sự thật. Dẫu biết, cuộc đời của con phụ thuộc hoàn toàn vào tiểu cầu hoặc máu được truyền từ bệnh viện, vợ chồng chị Yến vẫn động viên nhau, vượt qua khó khăn để cùng con “chiến đấu” với bệnh tật.
“Con tôi là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất khoa. Mỗi lần vào viện, các y, bác sĩ luôn ưu tiên cho cháu, sẵn sàng hỗ trợ mẹ con tôi bất cứ lúc nào. Sau khi được truyền các chế phẩm máu, con tôi giảm được các cơn đau. Khi hết các loại này, con tôi lại mệt và chúng tôi lại đưa con vào viện. Vì thế, tôi đã lấy bệnh viện làm nhà”, chị Yến cho hay.
Bệnh nhân V.V.H., (64 tuổi, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) bị ung thư trực tràng giai đoạn 3. Đây cũng là lần thứ 3 ông tái phát ung thư. Ông H. đang được hóa trị định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, sau mỗi lần hóa trị, tác dụng phụ làm cơ thể ông sốt cao, đau nhức, tiêu chảy, mệt mỏi… Có những lần, tác dụng phụ của thuốc khiến sức khỏe của ông H. suy kiệt.
Để thuận tiện, ông chọn Khoa Ung bướu (Bệnh viện Bà Rịa) để điều trị giảm đau. Nhờ được dùng thuốc, truyền dịch nên sức khỏe của ông cải thiện. Ông H. nói: “Nằm viện luôn có nhân viên y tế túc trực, chăm sóc và theo dõi sức khỏe chặt chẽ nên tôi giảm bớt lo sợ về bệnh tật của mình”.
Chúng tôi xác định việc điều trị giảm nhẹ và nâng đỡ cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động mũi nhọn của Khoa Ung bướu. Nhân viên y tế của khoa luôn cố gắng phục vụ bệnh nhân chu đáo, với h vọng duy trì thêm sức sống cho họ.
Bác sĩ Võ Thái Sang, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Bà Rịa
|
Kéo dài tuổi thọ
Từ năm 2016, Khoa Ung bướu (Bệnh viện Bà Rịa) triển khai điều trị giảm nhẹ và nâng đỡ cho người bệnh. Các trường hợp bị ung thư: gan, phổi, dạ dày, đại tràng, trực tàng… nhưng đã rơi vào giai đoạn trễ, không thể chỉ định điều trị đặc hiệu. Khi vào viện, người bệnh sẽ được điều trị giảm nhẹ, chăm sóc về dinh dưỡng, vật lý trị liệu.
Đặc thù của bệnh nhân điều trị giảm nhẹ và nâng đỡ chủ yếu là người bệnh phải vào viện thường xuyên, chữa trị dài ngày. Vì vậy, đội ngũ nhân viên y tế của khoa phải gần gũi, động viên và tư vấn tâm lý, giúp bệnh nhân cùng thân nhân hiểu rõ về tình hình bệnh hiện tại để phối hợp điều trị. Mục tiêu của những biện pháp vừa nêu nhằm làm giảm đau đớn cho bệnh nhân lúc cuối đời. Qua đó, bệnh nhân ung thư cải thiện chất lượng sống cũng như có cơ hội kéo dài tuổi thọ.
Bác sĩ Võ Thái Sang, Khoa Ung bướu cho biết, trên địa bàn tỉnh mới có Bệnh viện Bà Rịa có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc men, vật tư y tế… để điều trị giảm nhẹ và nâng đỡ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Sau 9 năm thực hiện công tác này, bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu điều trị và chăm sóc giảm đau cho nhiều bệnh nhân ưng thư. Việc được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh như gần nhà, đỡ tốn chi phí, sự vất vả đi lại và người nhà chăm sóc.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM