HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2024

Nhiều nỗi lo về an toàn thực phẩm

Thứ Hai, 20/05/2024, 21:56 [GMT+7]
In bài này
.

Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Song công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tình trạng vi phạm các quy định về ATTP vẫn còn tiếp diễn, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra công tác bảo quản thực phẩm tại Nhà vườn B.B. (huyện Đất Đỏ).
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP tỉnh kiểm tra công tác bảo quản thực phẩm tại Nhà vườn B.B. (huyện Đất Đỏ).

Phát hiện thực phẩm hết hạn, không rõ xuất xứ

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 diễn ra từ 15/4 đến 15/5, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP từ tỉnh đến xã, phường tiến hành kiểm tra hàng trăm cơ sở, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, phát hiện một số cơ sở chưa tuân thủ các quy định, điều kiện về ATTP.

Quán S. (phường 1, TP.Vũng Tàu) bán đồ ăn, cà phê và nước giải khát được nhiều thực khách biết đến. Trong đợt kiểm tra về ATTP mới đây do Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP TP.Vũng Tàu thực hiện cho thấy, quán này chưa thực hiện tốt các quy định bảo đảm ATTP. Quán có 3 mặt hàng là: xúc xích, thịt ba rọi xông khói và pa-tê (mỗi loại 1 gói) đã hết hạn sử dụng. 4 hộp kem được bảo quản trong tủ cấp đông không có nhãn mác, không đậy nắp kín. Một số thực phẩm như: ức gà, sườn... đựng trong túi ni lông không ghi rõ ngày nhập, hạn sử dụng. Khu vực bếp còn lộn xộn, sắp xếp thực phẩm chưa ngăn nắp và sạch sẽ.

Sau khi phát hiện các sai sót, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu cơ sở tuân thủ các quy định về ATTP. Quán S. đã tự tiêu hủy mặt hàng hết hạn sử dụng trước sự chứng kiến của các thành viên trong đoàn.

Tương tự, tại Nhà vườn B.B. (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cũng bộc lộ nguy cơ gây mất ATTP. Cơ sở được đầu tư khá quy mô, với nhiều dịch vụ như: lưu trú, nhà hàng, tổ chức sự kiện và mới đi vào hoạt động từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra cách đây 2 tuần, cơ sở này có một số hạn chế, gây nguy cơ mất ATTP. Khoảng 4kg xúc xích hết hạn sử dụng, bánh kem được bảo quản trong tủ lạnh không đúng cách như không bọc kín và còn để cùng với các loại thực phẩm tươi sống khác. Nhà vườn B.B. có 4 lao động nhưng chưa xuất trình giấy xác nhận đủ sức khỏe và tập huấn kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và những nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm.

Từ đầu năm đến nay, huyện Châu Đức đã lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh 382 mẫu thực phẩm. Qua đó, phát hiện 7 mẫu tôm trọng lượng khoảng 6,7kg dương tính với formol, 3 mẫu mì tươi trọng lượng khoảng 2,5kg dương tính với hàn the. Các tiểu thương không biết trong sản phẩm có chứa chất cấm và vi phạm lần đầu, hợp tác khai báo nguồn cung cấp thực phẩm nên không bị xử phạt vi phạm hành chính. Đoàn kiểm tra huyện Châu Đức yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không tái phạm. 

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP.Vũng Tàu kiểm tra tại quán S.  (TP.Vũng Tàu).
Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP TP.Vũng Tàu kiểm tra tại quán S. (TP.Vũng Tàu).

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Theo lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, công tác ATTP còn gặp nhiều bất cập. Lo ngại nhiều nhất là không bảo đảm ATTP ở các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh thức ăn đường phố. Bởi số lượng cơ sở, sản xuất kinh doanh thực phẩm đường phố rất nhiều, nhưng hoạt động nhỏ lẻ, không ổn định hoặc thay đổi địa chỉ… đã ảnh hưởng đến công tác quản lý về ATTP của các địa phương.

Bên cạnh đó, các hộ sản xuất ngành nghề công thương có quy mô nhỏ, vốn ít, làm thủ công theo hộ gia đình nhưng chi phí thẩm định giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cao. Vì thế, việc vận động các hộ kinh doanh làm giấy này và xử lý khi có vi phạm còn khó khăn.

Những năm gần đây, người tiêu dùng dần hình thành thói quen mua sản phẩm nhà làm bằng hình thức mua trực tuyến trên mạng xã hội hoặc thông qua điện thoại và giao hàng trực tiếp đến khách hàng nên khó kiểm soát chất lượng thực phẩm. Việc tập huấn kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh được giao cho chủ cơ sở nhưng chưa có văn bản hướng dẫn việc đánh giá trình độ, năng lực chuyên môn liên quan đến lĩnh vực ATTP đối với chủ cơ sở. Đó là chưa kể, một số chủ cơ sở còn chưa quan tâm hoặc thiếu hiểu biết kiến thức ATTP.

Để ngăn chặn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, các địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quy định về ATTP, kinh doanh và chế biến thực phẩm từ nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Ghi nhận tại huyện Châu Đức cho thấy, chính quyền thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về ATTP tại các chợ; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng... để chế biến, kinh doanh thực phẩm; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP. Địa phương còn ưu tiên bố trí nguồn lực và kinh phí, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, phương tiện làm việc, dụng cụ để kiểm tra, kiểm soát an ninh, ATTP.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho rằng, địa bàn có nhiều khu công nghiệp nên số lượng bếp ăn tập thể tại các công ty, xí nghiệp và suất ăn công nghiệp tập trung đông và có nhiều tiểm ẩn gây mất ATTP. Vì vậy, UBND TX.Phú Mỹ kiến nghị Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khi kiểm tra các bếp ăn này thì phối hợp với thị xã để địa phương nắm địa bàn. Trường hợp có sự cố về ATTP, địa phương sẽ kịp thời phối hợp xử lý. 

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
;
.