HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG

Bất cẩn một phút, thương tật suốt đời

Thứ Ba, 28/05/2024, 17:29 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ một phút bất cẩn khi đang làm việc đã dẫn đến tại nạn đáng tiếc với người lao động. Hậu quả là, có người vĩnh viễn ra đi, người thì mang thương tật suốt đời.

Đại diện Hội đồng An toàn vệ sinh lao động thăm, động viên gia đình  có người bị tai nạn lao động.
Đại diện Hội đồng An toàn vệ sinh lao động thăm, động viên gia đình có người bị tai nạn lao động.

Ray rứt người ở lại

Hơn 1 năm từ ngày chồng mất vì tai nạn lao động (TNLĐ) cũng là ngần ấy thời gian chị Lê Thị Thu Trang (KP.Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) và con sống trong nỗi lo sợ, bất an. “Thời gian đầu khi chồng mới mất, 2 con tôi sợ ở một mình, lúc nào cũng bám lấy mẹ. Sau buổi học, ra cổng trường mà không thấy mẹ đứng đợi sẵn, con lại òa khóc”, chị Lê Thị Thu Trang tâm sự. Theo chị Trang, trước giờ các con chị đã quen với sự chăm sóc và đưa đón đi học của cha. Do đó, khi cha qua đời, các con như mất đi chỗ dựa vững chắc.

Cách nay hơn 1 năm, chồng chị rời nhà đi làm vào buổi sáng. Đến chiều, chị Trang nhận được tin báo chồng bị TNLĐ khi đang làm việc. Trên đường chạy vào bệnh viện, chị vẫn nghĩ chồng chỉ bị thương vài hôm sẽ khỏe. Khi hay tin chồng đã ra đi, chị ngã quỵ. Cuộc sống chị và 2 con cũng từ đó khó khăn hơn. Các con của chị cũng có nguy cơ không được đến trường. Bởi, mức lương giáo viên tiểu học của chị không đủ để trang trải cho 2 con cộng với tiền sinh hoạt và thuê nhà trọ.

Cũng là nạn nhân của TNLĐ, anh Nguyễn Văn Danh (KP.Suối Nhum, phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) may mắn thoát chết nhưng phải mang thương tật suốt đời. Hơn 5 tháng sau khi TNLĐ xảy ra, anh vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: anh làm công nhân cho một công ty trên địa bàn TX.Phú Mỹ. Hôm đó, trong lúc làm việc, không may anh bị tai nạn. “Mất đi bàn tay, mọi sinh hoạt cá nhân đều bị đảo lộn. Muốn làm gì cũng rất khó khăn. Kể cả sinh hoạt hàng ngày, tắm giặt hay tự mặc quần áo cũng khó khăn, khiến tôi hụt hẫng vô cùng”, anh Danh chia sẻ.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp NLĐ bị TNLĐ không may xảy ra trong quá trình làm việc. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khiến nạn nhân phải gánh chịu thương tật, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng của mình. TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của nạn nhân mà còn là gánh nặng cho gia đình, người thân và xã hội.

Theo Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, để giảm thiểu TNLĐ, cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, trong các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ cho cán bộ, người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ; huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng; tập huấn triển khai chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Bên cạnh đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an toàn lao động.

An toàn là trên hết

TNLĐ để lại nhiều nỗi đau nhưng vẫn còn đó không ít các đơn vị, cá nhân chủ quan, chưa coi trọng công tác an toàn lao động. Vì thế, nỗi đau mang tên mất an toàn lao động chưa bao giờ có hồi kết.

Theo Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tỉnh, năm 2023, tình hình TNLĐ vẫn diễn biến phức tạp tại các DN trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ TNLĐ, nhất là tại các công trình xây dựng, gia công cơ khí. Qua điều tra các vụ TNLĐ chết người cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ phần lớn do NLĐ không tuân thủ nội quy, quy trình bảo đảm ATVSLĐ.

Nhiều vụ việc xảy ra do các cá nhân, nhóm thợ riêng lẻ nhận thầu công trình xây dựng nhưng không được tập huấn về ATVSLĐ. Người sử dụng lao động chưa chú trọng đến công tác ATVSLĐ; không thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ. Đặc biệt người sử dụng lao động không xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn, không nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc…

Hàng năm, các DN vẫn lập kế hoạch bảo hộ lao động, phương án đảm bảo an toàn lao động trong thi công. Định kỳ DN vẫn tiến hành thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện ATLĐ cho công nhân, NLĐ theo quy định. Nhưng công tác huấn luyện nhiều nơi vẫn mang nặng tính hình thức hoặc có huấn luyện nhưng không đầy đủ thời gian, nội dung, chương trình, không thực hiện các giải pháp về ATVSLĐ đối với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

"Thực tế, các lý do dẫn đến TNLĐ hầu hết đều có thể tránh được nếu NLĐ nâng cao ý thức và đơn vị đảm bảo đầy đủ các yếu tố an toàn trong sản xuất", ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.