Hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế là bệnh gì?

Thứ Sáu, 24/05/2024, 17:18 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Tôi 37 tuổi, ăn uống sinh hoạt bình thường, không hút thuốc, ít khi uống rượu bia nhưng gần đây, mỗi khi ngồi xuống rồi đứng lên, tôi lại thấy hoa mắt, chóng mặt, lắm lúc muốn té. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách chữa trị.

(tiengiang@gmail...)

Trả lời: Ngồi xuống đứng lên thấy hoa mắt, chóng mặt là biểu hiện của một số bệnh lý khác nhau, bao gồm hạ huyết áp tư thế đứng mà nguyên nhân là áp lực máu không được điều chỉnh nhanh chóng khi bạn thay đổi tư thế, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến não, bị bệnh Parkinson, bị thiếu máu, sử dụng thường xuyên thuốc trị cao huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc trị tiểu đường, thuốc an thần, cơ thể mất nước do ít uống nước hoặc do bị tiêu chảy mất nước, do thời tiết quá nóng, phải ở ngoài trời quá lâu, làm việc nặng gây đổ mồ hôi nhiều nhưng không kịp bù nước, chế độ dinh dưỡng kém, ít vận động…

Với phụ nữ, trong 24 tuần đầu tiên kể từ khi mang thai, cơ thể có những thay đổi về tuần hoàn để hỗ trợ thai phụ, thai nhi nên khi ngồi xuống, đứng lên, sẽ xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt.

Thông thường, hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc ngược lại đều không nguy hiểm nếu không té ngã nhưng vẫn có những tình huống cần đến sự can thiệp y tế. Bạn nên đến bệnh viện khám ngay nếu chóng mặt kéo dài hoặc tái diễn liên tục, chóng mặt kèm theo tức ngực, khó thở, nói lắp bắp, mất thăng bằng hoặc mất khả năng di chuyển, tê yếu một bên vì đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Bên cạnh đó, nếu trước kia bạn đã từng bị chấn thương vùng đầu và đã điều trị nhưng nay xuất hiện chứng chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, nhìn một hóa hai thì cũng cần kiểm tra lại.

Để làm giảm chứng hoa mắt chóng mặt khi ngồi xuống đứng lên, bạn cần thay đổi tư thế một cách chậm rãi. Nếu đang nằm, hãy ngồi dậy từ từ còn nếu đang ngồi, cũng đứng lên từ từ. Nếu bên cạnh bạn có một vật gì đó có thể dùng làm điểm tựa, hãy dựa hoặc nắm vào nó trong vài phút. Nếu chóng mặt do uống thuốc, hãy báo cho bác sĩ đang điều trị cho bạn để có thể đổi sang một loại thuốc khác. Bổ sung các loại thực phẩm có vitamin C và vitamin B6 như cam, cà chua, bưởi, quýt, bông cải xanh, đu đủ, xoài, chuối, cải bó xôi, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc… Ngủ đủ giấc, ít nhất 6 tiếng mỗi đêm. Uống đủ nước, trung bình khoảng 2 lít mỗi ngày…

Bs TRẦN VĂN PHƯƠNG

;
.