Hoạt động tham quan di tích lịch sử địa đạo Long Phước (xã Long Phước, TP.Bà Rịa) có sự kết hợp giữa trường học với cán bộ văn hóa và nhân chứng lịch sử ở địa phương là cách làm hay nhằm tăng thêm tính sinh động, cuốn hút với các em học sinh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nhân chứng lịch sử tham gia đào địa đạo Long Phước kể chuyện cho các em HS Trường TH Nguyễn Bá Ngọc. |
Câu chuyện về địa đạo
Đến di tích địa đạo Long Phước vào buổi sáng đầu tuần, chúng tôi và các em HS Trường TH Nguyễn Bá Ngọc (TP.Bà Rịa) có dịp trải nghiệm cùng nhân chứng lịch sử từng tham gia đào địa đạo là bà Nguyễn Thị Hồng Minh.
Sau khi viếng anh hùng liệt sĩ ở đền thờ liệt sĩ xã Long Phước, chúng tôi vào tham quan địa đạo Long Phước ngay phía sau khuôn viên của đền thờ. Trải nghiệm thực tế này giúp các em hiểu hơn về vùng đất Long Phước anh hùng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Nhân dân Long Phước dựa vào hệ thống địa đạo độc đáo, đã bẻ gãy nhiều trận càn của địch, làm nên những chiến thắng vang dội. Trong đó, câu chuyện về di tích lịch sử quốc gia địa đạo Long Phước còn mãi lưu truyền.
Anh Võ Thành Đức, công tác tại Phòng VH-TT TP.Bà Rịa, hướng dẫn viên tại địa đạo Long Phước giới thiệu, địa đạo được đào từ năm 1947. Đường xương sống của địa đạo nằm sâu dưới lòng đất từ 2-3m, rộng 0,7m, với hệ thống đường hầm chằng chịt, giúp quân ta tổ chức phòng ngự, bám trụ, đánh bật nhiều đợt tấn công của địch.
Trong thời kỳ chống Mỹ, ngoài ngụy quân, tại Long Phước còn có một trung đoàn pháo binh Úc đóng tại Núi Đất, (cách địa đạo Long Phước 2km) quản lý khu vực Bà Rịa. Địch nhiều lần mở cuộc tiến công vào địa đạo Long Phước, quân dân Long Phước đã anh dũng chống trả. Một trong những trận đánh lớn diễn ra vào ngày 19/5/1966. Quân địch gồm 1 lữ đoàn dù Mỹ, 1 tiểu đoàn quân hoàng gia Úc, 1 đại đội bảo an tiến đánh địa đạo Long Phước. Quân và dân Long Phước ẩn nấp trong lòng địa đạo, từng bước bẻ gãy các đợt tấn công của địch. Sau 3 ngày quần thảo không thể đánh sập địa đạo Long Phước, quân địch bị tiêu diệt hơn 800 tên, phải rút lui về căn cứ Núi Đất.
14 tuổi đã tham gia đào địa đạo
Hồi tưởng những năm sống và chiến đấu trong giai đoạn chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Hồng Minh kể, từ tháng 7/1964, bà lúc đó mới 14 tuổi đã bắt đầu tham gia vào đào địa đạo. “Những hình ảnh chúng tôi cùng nhau đào địa đạo vào mỗi đêm, hăng say xúc đất, những nụ cười lấm lem của những người bạn… là những ký ức không thể phai mờ”, bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhớ lại.
Theo thời gian, địa đạo ngày càng được mở rộng. Địa đạo có hầm bí mật dự trữ lương thực, vũ khí; có nơi cứu chữa thương binh; có công sự chiến đấu theo thế liên hoàn cả 5 ấp thuộc xã Long Phước. Trải qua bao mưa bom, bão đạn, hủy diệt của quân thù, địa đạo và quân dân Long Phước vẫn đứng vững kiên cường, vẫn được xem như “núm sữa” quan trọng nuôi dưỡng phong trào cách mạng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Những ký ức chẳng thể nào quên của một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết dành cho cách mạng, cho quê hương của bà Nguyễn Thị Hồng Minh cùng những người đồng đội năm xưa góp phần truyền lửa cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Em Lê Hoàng Khánh Vy (HS Trường TH Nguyễn Bá Ngọc) xúc động nói: “Tham quan di tích địa đạo Long Phước, được lắng nghe câu chuyện đào địa đạo năm xưa từ nhân chứng lịch sử giúp em thêm yêu và tự hào hơn về quê hương, tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống của dân tộc”.
Rời địa đạo, chúng tôi gặp một nhóm HS khác xếp hàng cùng cô giáo tiến vào di tích địa đạo Long Phước để viếng đền thờ và tham quan địa đạo. Những chuyến tham quan như thế sẽ góp phần để các em được hiểu hơn, tự hào hơn với truyền thống, qua đó phấn đấu học tập, góp sức xây dựng quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha ông.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG