Đỡ đầu hộ khó
Hỗ trợ hàng tháng, hỗ trợ đột xuất, thường xuyên qua lại thăm nom… là hình thức được UBMTTQ Việt Nam các phường, Ban Công tác mặt trận (CTMT) các khu dân cư ở TP.Vũng Tàu duy trì, giúp các hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn từng bước cải thiện và ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường 1 trao tiền hỗ trợ đến cụ Trần Thị Anh, người già neo đơn. |
Sẻ chia tấm lòng
Cụ Trần Thị Anh năm nay 89 tuổi, không có chồng con. Sống neo đơn trong căn phòng trọ, không có khả năng lao động nên nhiều năm qua, cụ Anh thuộc diện đặc biệt khó khăn cần được quan tâm, hỗ trợ thường xuyên.
Biết hoàn cảnh cụ, một số nhà hảo tâm thường qua lại thăm hỏi, nấu ăn giúp cụ, hỗ trợ cụ tiền phòng trọ hàng tháng, đưa cụ đi khám bệnh, lấy thuốc. Từ tháng 6/2022, UBMTTQ Việt Nam phường 1 vận động nhà hảo tâm hàng tháng hỗ trợ cụ Anh 1 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng giúp cụ Anh cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, MTTQ phường còn hỗ trợ cụ gạo, tặng quà, tặng thẻ BHYT… “Tôi rất xúc động vì luôn được sự quan tâm của MTTQ và bà con chòm xóm”, cụ Anh rưng rưng nói khi nhận tiền hỗ trợ.
Cụ Anh là 1 trong 3 trường hợp của mô hình “Sưởi ấm yêu thương” do UBMTTQ Việt Nam phường 1 phát động, duy trì suốt 2 năm qua. Theo đó, mỗi tháng, MTTQ phường vận động hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng. Ngoài ra, MTTQ phường 1 thường xuyên vận động, trao 30-40 suất quà vào dịp lễ, tết,… vận động trao thẻ BHYT, tặng gạo, hỗ trợ đột xuất cho các hộ, hoặc tặng học bổng cho HS nghèo hiếu học.
Tương tự, tại các phường khác, phong trào giúp hộ khó khăn cũng được duy trì từ cấp phường tới cấp khu phố. Ông Vũ Huy Đĩnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận KP.9, phường 4 cho biết, khu phố có 459 hộ, trong đó có 10 hộ còn khó khăn. Ban CTMT khu phố thường xuyên qua lại, động viên, giúp đỡ.
Vợ chồng bà Lê Thị Làn (215/16 Bacu) có con gái Phùng Thị Bích Trâm, 8 tuổi, bị bại não. Hai vợ chồng làm tạp vụ, thu nhập thấp, trong khi chi phí cho con rất tốn kém. Ngoài con gái, vợ chồng bà còn đang nuôi bà nội, bà ngoại ở chung, đỡ đần chăm cháu. 5 năm qua, gia đình bà Làn thường xuyên được Ban CTMT tới thăm, tặng quà. “Sự quan tâm của khu phố là nguồn động viên rất lớn với gia đình tôi. Vợ chồng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng lên”, bà Làn nói.
Hiện Ban CTMT KP. 9, phường 4 vận động, đỡ đầu một trẻ mồ côi cha mẹ với số tiền 1 triệu đồng/tháng; giúp đỡ tiền học phí, thẻ BHYT cùng quần áo, tập vở cho 2 em HS khó khăn; thường xuyên thăm các cụ từ 100 tuổi trở lên trên địa bàn… Toàn bộ nguồn được xã hội hóa và được thực hiện khoảng 10 năm qua.
Đại diện Ban CTMT khu phố 9, phường 4 trao quà tới gia đình bà Lê Thị Làn. |
Nhân rộng những vòng tay nghĩa tình
Những phong trào, mô hình “Kết nối yêu thương”, “Sưởi ấm yêu thương”, “Chắp cánh ước mơ”… được MTTQ các phường, Ban CTMT các khu dân cư của TP.Vũng Tàu thực hiện sôi nổi với hình thức hỗ trợ phong phú. Đó có thể là việc vận động trao tặng gạo hàng tháng (KP. 2 phường 7; KP. 1, KP. 4 phường 11; các khu phố 4,6,8 phường Rạch Dừa), tặng học bổng, đỡ đầu HS vượt khó học giỏi (KP. 9, phường 4; KP. 1, phường 11); hỗ trợ tiền (MTTQ phường 1, MTTQ phường 8)… Các hoạt động, chương trình hỗ trợ thiết thực này góp phần làm vơi bớt phần nào khó khăn, giúp cho người được hỗ trợ có thêm điều kiện cải thiện, từng bước vươn lên trong cuộc sống.
"Những mô hình đỡ đầu, hỗ trợ hàng tháng do các phường, khu phố triển khai mang ý nghĩa nhân văn lớn. Không chỉ quan tâm chăm lo hàng tháng cho người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn về vật chất, những phần quà này mang theo thông điệp về tình yêu thương, sự ấm áp khi thăm hỏi ân cần, động viên kịp thời lúc ốm đau, bệnh tật, giúp những người già neo đơn, người bệnh, trẻ mồ côi cảm thấy được quan tâm, chăm lo như người thân trong gia đình", bà Mai Ngọc Oanh, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Vũng Tàu nhận xét. |
Các mô hình trên được đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể chính trị - xã hội, cùng các tầng lớp nhân dân có kinh tế ổn định chung tay ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng là những hộ nghèo, người mang bệnh hiểm nghèo, bệnh tật thường xuyên cần tiền trang trải cuộc sống, ưu tiên cho người khó khăn nhiều nhất. Việc triển khai mô hình này đã góp phần phát huy nguồn vốn nội lực ở cơ sở, cùng với các nguồn lực của Nhà nước chăm lo, tiếp sức cho những hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Nguồn vận động được thông tin, cập nhật công khai trên các nhóm zalo của khu dân cư, của MTTQ phường để các nhà hảo tâm theo dõi thông tin và biết số tiền ủng hộ được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH