Mất trí nhớ là hội chứng tập hợp các dấu hiệu như lãng quên bất thường, không thể ghi nhớ những sự kiện vừa xảy ra, khó khăn khi nhớ lại các vấn đề trong quá khứ, lẫn lộn giữa chuyện này và chuyện khác… Theo thời gian, chứng mất trí nhớ có thể làm giảm chức năng vỏ não, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.
Người bị mất trí nhớ có thể không nhớ hôm nay là ngày nào. |
Các biểu hiện chứng mất trí nhớ
Phổ biến ở những người tuổi trung niên. Nó thể hiện qua việc nhớ không chính xác về thời gian, ngày tháng, mất phương hướng khi đi lại, nhầm lẫn chuyện này sang chuyện khác, không nhớ được là mình đã cất thứ này, thứ kia ở đâu, không nhớ được ngày mai, ngày mốt mình phải làm gì…
Thông thường, mất trí nhớ thoáng qua chỉ xảy ra trong giai đoạn ngắn do những rối loạn ở vỏ não, chẳng hạn như làm việc kéo dài trong môi trường nắng gắt hoặc tiếng động cường độ lớn, hoặc bị những áp lực nặng nề về tâm lý, hoặc đã từng gặp phải chuyện đau buồn, những vấn đề căng thẳng, khó giải quyết. Mặc dù, mất trí nhớ tạm thời có thể tự hồi phục, hoặc hồi phục bằng thuốc men và các liệu pháp tâm lý nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, nó sẽ dẫn đến sa sút trí tuệ.
Người bị chứng quên ký ức gần không thể ghi nhớ những sự kiện vừa xảy ra, thường gặp từ 30 tuổi trở lên, uống nhiều bia, rượu, nghiện thuốc lá, các loại ma túy như cần sa, thuốc lắc. Họ đột nhiên không thể nhớ mình vừa đi qua những nơi nào, gặp ai, nói gì và làm những việc gì. Nguyên nhân phần lớn phát xuất từ sự tổn thương hồi hải mã - là một bộ phận của não, nằm dưới vỏ đại não, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và lưu giữ ký ức.
Bên cạnh đó, chứng quên ký ức gần còn xảy ra ở những người trên 70 tuổi. Họ nhớ rất rõ những chuyện xảy ra thời niên thiếu, có thể kể lại không sai một chi tiết về địa danh, nhân vật, sự kiện nhưng lại không thể nhớ được sáng hôm nay mình đã ăn gì và dù ăn rồi, họ vẫn khẳng định là chưa ăn, nguyên nhân chủ yếu là do lão hóa hệ thần kinh.
Người mắc phải chứng bệnh này thường nhầm lẫn giữa chuyện này với chuyện kia, việc này với việc khác, chẳng hạn như một sự kiện diễn ra tại điểm A nhưng họ lại quả quyết rằng nó diễn ra ở điểm B mà nguyên nhân là do những bất thường ở bán cầu não phải. Người bị chứng này thường không nhớ những hành động, lời nói, việc làm mà mình vừa thực hiện xong, ví dụ như bỏ chìa khóa xe vào túi áo nhưng lúc định đi thì lại tìm ở chỗ khác. Nó cũng có nguồn gốc từ vỏ não.
Điều nguy hiểm của chứng hay quên là có thể tự gây thương tích cho chính mình, chẳng hạn như dùng tay bưng nồi thức ăn đang sôi, uống nhầm thuốc, nhầm lẫn trong thao tác máy móc, công cụ… Ngoài ra họ cũng dễ bị lừa gạt.
Bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, chứng mất trí nhớ còn có thể xảy ra do phải dùng môt số loại thuốc trị bệnh dài ngày, do chấn thương sọ não, do mắc chứng rối loạn cảm xúc, do cơ thể thiếu một số chất như vitamine B12, vitamine B6, bị suy tuyến giáp, bị các bệnh như u não, vỡ mạch máu não, lao màng não, viêm não, rối loạn tuần hoàn não, ngưng thở khi ngủ, đột quỵ, mất ngủ kéo dài, nhiễm HIV, bệnh giang mai, phụ nữ sinh nhiều con, bị bệnh Alzheimer.
Cách cải thiện
Hậu quả của mất trí nhớ thường là suy dinh dưỡng, người bệnh mất dần dần cảm giác đói, khó nuốt khi ăn uống, chán ăn. Một số bệnh có thể tăng nặng hơn bởi người bệnh không nhớ được thời gian và lượng thuốc phải uống trong ngày, có nhiều thay đổi về nhân cách, hành vi, ngày càng trở nên thụ động, dẫn đến trầm cảm.
Phần lớn những người gặp phải bệnh mất trí nhớ thường tìm cách che giấu khiếm khuyết của mình nên vô tình tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Vì vậy, nếu nhận thấy người thân trong gia đình có những dấu hiệu nêu trên thì nên đưa đến các cơ sở y tế để thăm khám và có hướng điều trị thích hợp. Cần lưu ý là khi đi thăm khám, người thân nên đi cùng người bệnh để cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết nhằm giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.
Hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào chữa lành hoàn toàn chứng mất trí nhớ nhưng vẫn có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng nhiều cách. Chẳng hạn như: điều trị dứt điểm các bệnh mắc phải, kiên trì thực hành các bài tập kỹ năng rèn luyện trí nhớ, bỏ thuốc lá, bia rượu, các chất kích thích, chọn một môn thể dục phù hợp và tập hàng ngày, tối thiểu 30 phút, ăn uống đủ chất, ngủ ít nhất từ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm, tập thói quen ghi chép những việc cần làm trong ngày để tái tạo phản xạ não bộ, kiểm tra sức khoẻ định kỳ, ít nhất mỗi năm 1 lần…
Bs CK1 Tâm thần LÊ DUY